Đường lên thành phố

Cập nhật: 21-08-2019 | 08:50:09

Khởi đầu với với cơ sở vật chất hạ tầng đơn sơ, 20 năm sau - năm 2019, dân số Dĩ An đã tăng lên 471.372 người, tăng trên 490% so với năm 1999; hạ tầng kinh tế - xã hội có sự phát triển mạnh mẽ; nhà ở, trường học, giao thông, y tế và các thiết chế văn hóa - thể thao… mang dáng dấp một đô thị năng động sầm uất, Dĩ An hội đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Tiền đề phát triển

“Thuận cơ trời không bằng địa lợi, được địa lợi không bằng được lòng người”. Ở Dĩ An, thành quả hôm nay có được bởi hội tụ đủ cả 3 thành tố: “Thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Phát huy lợi thế là trung tâm giữa 3 thành phố: TP.Hồ Chí Minh - TP.Biên Hòa - TP.Thủ Dầu Một, tiềm năng kinh tế - xã hội; sự góp sức, hợp lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đồng thuận của nhân dân, sự đồng hành của doanh nghiệp, ngay từ khi mới tái lập, Dĩ An đã xác định và phát huy được yếu tố tiềm năng nội tại này. Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền huyện đã có những bước đi nhằm tạo tiền đề để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Đào Ngọc Nữ, nguyên Bí thư Huyện ủy Dĩ An thời kỳ đầu tái lập huyện, tâm đắc: “Ngay từ ngày đầu tái lập, huyện triển khai ngay việc lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành… Đây là cơ sở khoa học cho việc sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về đất đai, lao động, tài nguyên, tài chính. Đồng thời huyện chọn thực hiện các công trình trọng điểm vừa có tính chất lâu dài, vừa mang tính đột phá; ưu tiên ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng. Từ đó, nhân dân rất phấn khởi vì thấy được lợi ích từ sự phát triển của việc chia tách huyện”.

Tiền đề tạo nên một Dĩ An với các công trình tầm vóc, diện mạo khang trang, đó là cùng với nguồn vốn từ ngân sách, Dĩ An huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, trong nhân dân đầu tư cho phát triển hạ tầng. Ông Đặng Minh Hưng, nguyên Chủ tịch UBND thị xã (2006-2012), cho biết: “Giai đoạn 2007-2012, mức độ đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tăng mạnh, bình quân từ 350 - 400 tỷ đồng/năm.

Ưu tiên các công trình dân sinh

Đây là chủ trương xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền qua các thời kỳ. Với tinh thần đó, trong 20 năm qua, Dĩ An đầu tư gần 5.000 tỷ đồng xây dựng 1.332 công trình đường, trường, trạm, cấp thoát nước, thiết chế văn hóa thể thao và các tuyến đường liên phường, liên phố. Riêng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách hàng năm tăng mạnh từ 41 tỷ (năm 2000) lên 600 tỷ (năm 2019). 

Thực tế, để biến chủ trương thành hiện thực không phải dễ dàng, nhất là để giữ quỹ đất cho hệ thống trường lớp như hôm nay. Có những giai đoạn, nhu cầu về phòng học trở thành vấn đề nóng trong các cuộc họp chuyên đề của Đảng bộ, chính quyền thị xã và cần có sự quyết đoán trong lựa chọn. Và câu trả lời luôn là ưu tiên quỹ đất cho giáo dục.

Chính vì vậy mà ngay tại khu đất vàng - Trung tâm hành chính Dĩ An, vẫn được thị xã bố trí hệ thống cụm 3 trường học theo quy mô chuẩn quốc gia (mầm non, tiểu học, THCS). Đến năm 2019, Dĩ An đã xây dựng và lầu hóa 42 trường học quy mô từ 1.000 đến 3.000 học sinh (tăng 29 trường), số lượng học sinh lên đến 53.000 em, bằng gấp 3 lần năm 1999. Và hiện nay, trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất hàng năm, việc bố trí quỹ đất quy hoạch đón đầu cho xây dựng trường học tại các phường vẫn luôn được nằm lòng trong suy nghĩ và quyết định của các thế hệ lãnh đạo thị xã.

Để định hình đô thị, một Dĩ An với 5.667 hộ dân, gần 149 tổ chức trong các vùng quy hoạch còn biết chấp nhận hy sinh lợi ích riêng tư, chấp hành chủ trương di dời bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án, xây dựng các công trình. Tổng kết giai đoạn 1999- 2019, nhân dân đã hiến 3.346 ha đất để quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Tại các phường, nhân dân đóng góp từ 5 - 10 tỷ đồng/ năm để chỉnh trang đô thị. Các tổ chức cá nhân cũng ủng hộ từ 5 - 13 tỷ đồng/ năm cùng với địa phương chăm lo các hoạt động an sinh... Những con số mà không phải địa phương nào cũng làm được. Đó là thành công của Đảng bộ, chính quyền Dĩ An trong chủ trương hợp lực sức dân.

Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại

Hiện tại, tốc độ tăng trưởng của thị xã đạt 16 - 17%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, thu ngân sách đứng nhất nhì tỉnh với tổng thu năm 2018 là 3.849 tỷ đồng, gấp 81 lần so với năm 1999, bình quân thu nhập đạt mức 130,8 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng. Thị xã cũng khuyến khích các nhà đầu tư hình thành các dự án nhà ở, khu chung cư cao tầng, nhà ở xã hội nhằm giảm áp lực về diện tích đất ở, nhà ở. Đến nay, đã có 74 dự án xây dựng đô thị và khu dân cư được duyệt với tổng diện tích quy hoạch trên 804 ha, trong đó có 6 khu nhà ở xã hội… đưa diện tích nhà ở bình quân hiện nay lên 30m2/người (tăng 15m2 so với năm 1999).

Trên địa bàn thị xã hiện nay đã hoàn thiện các tiêu chí về tỷ lệ cây xanh, các công trình cấp thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn. Cùng với công trình trọng điểm do Nhà nước xây dựng, các thiết chế văn hóa - xã hội được phát triển mạnh từ nguồn lực xã hội hóa, với 105 sân bãi thể dục thể thao, 296 cơ sở y dược, 77 cơ sở giáo dục các cấp, góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt, giải trí của nhân dân...

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được quan tâm sâu sát trên tinh thần chủ động phòng ngừa, nhanh chóng phát hiện, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đó không chỉ là sự mong đợi của nhân dân, mà còn có ý nghĩa xây dựng một hình ảnh Dĩ An năng động, nhưng rất an toàn, để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, người lao động an cư lạc nghiệp, nhân dân bình yên làm ăn sinh sống.

 TUYẾT ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=286
Quay lên trên