EU lo cho tương lai

Cập nhật: 17-05-2021 | 07:05:29

Mặc dù có được sự đoàn kết trong một số vấn đề lớn như cùng chống đại dịch COVID-19, song thực tế vấn đề cải tổ Liên minh châu Âu (EU) để từ phục hồi đi lên tăng trưởng vẫn đang được đặt ra hết sức cấp bách. Một trong những câu hỏi đặt ra bức thiết tại Hội nghị bàn về tương lai châu Âu là cần xem xét lại nguyên tắc và khái niệm chi phối các chính sách kinh tế quan trọng của liên minh này.

Khủng hoảng cũng là cơ hội để châu Âu đổi mới

Thỏa thuận châu Âu về kế hoạch phục hồi đạt được vào tháng 7-2020 cho thấy sự đoàn kết nhất định của châu Âu trong những tình huống đặc biệt: Sự trợ giúp lẫn nhau một số khoản vay, hỗ trợ những khoản tiền lớn cho các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng và triển vọng phát triển các nguồn lực mới là minh chứng cho thấy năng lực đổi mới và đột phá của EU khi sự tồn tại của liên minh bị đe dọa. Tuy nhiên, sự khó khăn của các cuộc đàm phán đã khuấy động lại những bất đồng quan điểm sâu sắc giữa các quốc gia thành viên, không chỉ về thực hiện các chính sách kinh tế và quản lý quốc gia, mà cơ bản hơn, về khuôn khổ kinh tế chung của EU.

Việc các quốc gia thành viên EU thể hiện bất đồng trong khuôn khổ các cuộc đàm phán, đặc biệt về chính sách kinh tế thực ra cũng là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên điều này không nên làm mất đi sự gắn kết của EU, ảnh hưởng đến những nguyên tắc cơ bản và những quy định đã được tất cả chấp nhận. Trên thực thế, cuộc khủng hoảng hiện tại đã cho thấy rõ là một số ý tưởng và một số nguyên tắc, vốn là nền tảng của cấu trúc kinh tế EU, đã dần dần bị xem xét lại từ nhiều năm qua, đặc biệt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chẳng hạn, các quy định của Hiệp ước ổn định và tăng trưởng châu Âu, lệnh cấm tiền tệ hóa các khoản nợ công, quan niệm cổ điển về thương mại quốc tế hay những giới hạn của ngân sách châu Âu.

Sự bất đồng này đã trở nên rõ ràng, là kết quả của phản ứng cần thiết trước các cuộc khủng hoảng, thường dẫn đến sự thu mình lại trong nước và những bất đồng quan niệm ngày càng nghiêm trọng về chính sách kinh tế. Điều này dẫn đến những hiểu nhầm, trạng thái thất vọng và bất bình giữa các quốc gia, các thể chế châu Âu và công dân châu Âu.

Bất đồng thứ nhất liên quan đến kết quả hoạt động kinh tế vĩ mô của các quốc gia thành viên EU: Người ta lo ngại rằng do những thiếu sót tiềm ẩn, chẳng hạn như sự phát triển không chắc chắn các nguồn lực mới, sự thiếu hỗ trợ cho hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, các chỉ số kinh tế quan trọng sẽ đi theo những xu hướng khác nhau, đặc biệt trong khía cạnh ngân sách như khoảng cách giữa tỷ lệ thâm hụt/GDP và tỷ lệ nợ công/GDP, cũng như khía cạnh cạnh tranh bao gồm những tác động trung hạn của các khoản viện trợ nhà nước không cân xứng, dự trữ vốn do các chương trình đầu tư không bình đẳng hay vấn đề năng suất.

Bất đồng thứ hai nằm ở các đánh giá và phân tích kinh tế. Như năm 2008, cuộc khủng hoảng hiện nay đang làm trầm trọng thêm sự thu mình của các quốc gia về các mối quan tâm và việc thực thi chính sách công và cơ bản hơn, làm gia tăng sự đối đầu về các khái niệm chính sách kinh tế. Ngoài vấn đề thoát hỏi cuộc khủng hoảng COVID-19, việc xây dựng một lộ trình tài chính và kinh tế cho EU trong trung và dài hạn trở nên khó khăn hơn do không có sự đồng thuận về những đánh đổi kinh tế lớn.

Bất đồng thứ ba được thể hiện trong khía cạnh đàm phán. Trong lĩnh vực tiền tệ, ở một số quốc gia, chẳng hạn như Tây Ban Nha, có thể muốn phát hành các khoản nợ chung vĩnh viễn trong khi những quốc gia khác tiếp tục thể hiện sự hoài nghi về chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trong lĩnh vực thương mại và cạnh tranh, những nước ủng hộ tự do hóa thương mại và cạnh tranh kinh tế chiếm số đông so với những nước tỏ thái độ hoài nghi. Rõ ràng, những bất đồng chính trị giữa các quốc gia thành viên, trong chừng mực nào đó, đã thúc đẩy một cuộc tranh luận xuyên quốc gia giữa các đảng phái và các xã hội dân sự. Những bất đồng nói trên đã che lấp những phân tích kinh tế. Chúng dẫn đến những lựa chọn chính sách công khó hiểu và cản trở một tình đoàn kết được mong đợi, như trong thỏa thuận về kế hoạch khôi phục châu Âu.

Việc sửa đổi các chính sách kinh tế của châu Âu hiện được đánh giá càng quan trọng hơn bởi từ vài năm qua, nền kinh tế thế giới được đặc trưng bởi một bầu không khí đối đầu mạnh mẽ hơn. "Chiến tranh kinh tế" đã thực sự bắt đầu, người ta dành sự quan tâm trở lại đối với chủ nghĩa bảo hộ, những xung đột về các chiến lược thương mại, hay một cuộc cạnh tranh công nghệ có lợi cho Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, chủ nghĩa đa phương về kinh tế cũng đang trở nên suy yếu, cùng với đó là sự tê tiệt của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sự phối hợp suy giảm của các chính sách kinh tế...

Một cuộc khủng hoảng đã bộc lộ sự bất ổn và mong manh nội tại của hệ thống châu Âu. Đây chính là cơ hội để châu Âu đổi mới. Trong những năm gần đây, ECB đã diễn giải nhiệm vụ của họ là mang lại lợi ích chung, trước tiên là trong ngắn hạn, với mối quan tâm đến sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, việc duy trì các thông lệ và quy tắc ngoại lệ phát sinh từ các cuộc khủng hoảng gần đây sẽ tiếp tục gây ra những rủi ro tài chính liên quan đến chính sách tiền tệ và làm trầm trọng thêm những bất đồng về chính trị, kinh tế, chẳng hạn như liên quan tới hoạt động viện trợ. Lựa chọn này cũng sẽ thể hiện sự bất cập về mặt chính trị là không đáp ứng được nhu cầu tranh luận dân chủ về những vấn đề kinh tế và xã hội của EU, cũng như tái hợp pháp hóa các chính sách chung.

Tóm lại, sự chuyển đổi năng lượng và môi trường và triển vọng của Hội nghị về tương lai châu Âu là đòn bẩy để xem xét lại một cách thực dụng từng chính sách kinh tế lớn của EU. Những ràng buộc chính trị, khi chúng gắn liền với những lợi ích và quan niệm kinh tế khác nhau, luôn tác động mạnh mẽ lên việc thực hiện các chính sách kinh tế.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=975
Quay lên trên