Làn sóng hoài nghi Liên minh châu Âu (EU) đang dâng cao trong bối cảnh EU đang loay hoay xử lý khủng hoảng kinh tế khu vực và những đổ lỗi liên minh này đã “bỏ rơi” Italy trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Lao đao trước khủng hoảng
Châu Âu đang hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hai nền kinh tế lớn nhất của EU là Đức và Pháp đang trong tình trạng rơi tự do. Nền kinh tế Đức đang suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1970. Trong khi đó ở Pháp, sự suy giảm hiện nay giống với giai đoạn đầy rối ren năm 1968. Cho đến lúc này, mọi nỗ lực cứu khủng hoảng của EU vẫn tỏ ra khá yếu ớt.
Chính phản ứng vụng về của EU trong 2 cuộc khủng hoảng trước đây, cuộc đại suy thoái 2008-2009 và cuộc khủng hoảng người di cư đã khiến cử tri Anh bỏ phiếu rời EU vì cho rằng việc ở lại liên minh này sẽ không mang lại cho họ những lợi ích kinh tế dài hạn.
Ủy ban châu Âu (EC) đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xây dựng biện pháp tái thiết và thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu sau những thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gây ra. Việc nhiều chính phủ EU tăng chi tiêu mà không có sự hỗ trợ của EU có thể khiến thị trường sụp đổ và làm mất niềm tin vào khả năng nền kinh tế có thể sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế mà vẫn “lành lặn”.
Theo Ủy viên phụ trách kinh tế và tiền tệ của EU, ông Cameron Gentiloni, châu Âu cần một gói cứu trợ chung tổng cộng khoảng 1.500 tỷ euro (tương đương 1.600 tỷ USD) để ngăn chặn thảm họa trong dài hạn. Cho đến nay, các quốc gia thành viên chỉ cam kết khoảng 1/3 con số trên và số tiền đó cũng chỉ dành cho hỗ trợ khẩn cấp, bởi những quốc gia miền Bắc như Hà Lan, Áo và Đức không sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen từng lên tiếng về sự giúp đỡ của EU đối với Italy.
Một trong những bất đồng giữa các quốc gia EU liên quan đến vấn đề nợ công và nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Kế hoạch ban đầu là các nước thành viên Eurozone thành lập một quỹ trái phiếu cho vay dài hạn mang tên "trái phiếu Corona”. Tuy vậy, một số quốc gia như Đức và Hà Lan đã phản đối đề xuất này vì không muốn ràng buộc kinh tế với những đối tác đang ngập trong nợ khác. Do vậy, nhiều nhà kinh tế bày tỏ hoài nghi về sự hiệu quả của một quỹ hỗ trợ nền kinh tế Eurozone sau đại dịch COVID-19.
“Tâm tư” nước Italy
COVID-19 đã bồi thêm những đòn mạnh nền kinh tế Italy, nước này khi không thể tự “giải cứu” cho chính mình thì cũng đang quay sang “hờn trách” và hoài nghi EU. Theo Ngân hàng Goldman Sachs, GDP của Italy sẽ lao dốc khoảng 12%. Những chỉ dấu báo hiệu thảm họa này đang hiện hữu. Khu vực sản xuất chế tạo của Italy đã bị sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Hơn 4 triệu cơ sở kinh doanh của Italy đã bị đóng cửa. Ngành du lịch của nước này đang bị đình trệ. Bên cạnh đó, khu vực miền Bắc của Italy - vốn được coi là trung tâm kinh tế tài chính và sản xuất của đất nước đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Trong vòng 10 năm qua, Italy đã trải qua 3 đợt suy thoái kinh tế và cũng chưa hề có sự phục hồi đáng kể nào sau mỗi đợt suy thoái. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, GDP của Italy vẫn ở mức thấp hơn 5% so với mức đỉnh mà nước này đạt được cách đây hơn 1 thập kỷ. Đây là lý do năm ngoái Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng đến năm 2024, GDP của Italy vẫn sẽ thấp hơn mức đạt được vào năm 2007. Trong khi đó, nợ công của Italy lại tăng mạnh.
Trong 6 năm qua, nợ công của Italy luôn đứng ở mức trên 130% GDP và con số này trong năm nay dự báo sẽ lên tới ít nhất là 150%. Hệ thống tài chính của Italy vẫn yếu và số nợ khó đòi của các ngân hàng hiện ở mức quá cao. Italy cũng có tỷ lệ thất nghiệp thuộc diện cao nhất trong Eurozone, hiện vào khoảng 10%. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở mức cao hơn, gần 30%.
Với những “con số biết nói”, sẽ rất khó để cho rằng cuộc sống ở Italy hiện nay tốt hơn thời điểm mà nước này gia nhập Eurozone cách đây hơn 20 năm. Tỷ lệ ủng hộ của người dân Italy đối với EU cũng đang suy yếu. Năm ngoái, theo cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Eurobarometer, người dân Italy thuộc diện ít tin tưởng vào EU nhất (chỉ có 38% bày tỏ tin tưởng) và cũng thuộc diện ít có suy nghĩ tích cực nhất về EU (chỉ 33%).
Vào thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu tấn công Italy khiến Rome phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước trong EU, “tinh thần đoàn kết” xuất hiện một cách chậm chạp, thậm chí dường như không hề xuất hiện. Một số nước còn đóng cửa biên giới hoặc hạn chế xuất khẩu các thiết bị y tế. Khoảng trống do thiếu vắng sự lãnh đạo trong EU đã được tạo ra và Nga cùng Trung Quốc đã tranh thủ cơ hội để lấp đầy khoảng trống này bằng cách viện trợ y tế cho Italy.
Khi một số nước, trong đó có Italy, đề nghị các đối tác EU khác chia sẻ các khoản nợ, các nước ở phía Bắc như Đức và Hà Lan lại từ chối. Do lo ngại rằng việc chia sẻ nợ hiện nay có thể dẫn đến việc phải cùng chia sẻ nợ trong tương lai, một số nước ở phía Bắc của châu Âu lập luận rằng sự hỗ trợ tài chính sẽ chỉ diễn ra thông qua Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).
Mới đây, gần một nửa dân số Italy đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng về việc tiếp nhận sự hỗ trợ thông qua ESM bởi vì họ cho rằng đó là một công cụ để áp đặt những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" theo kiểu Hy Lạp. Trong những tuần gần đây, gần 90% số người Italy được hỏi ý kiến nói rằng EU không hề có sự giúp đỡ đối với Rome, trong khi khoảng 70% cho rằng EU “đã không đóng góp bất cứ điều gì nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này”.
Một số cuộc thăm dò khác cũng ghi nhận tỷ lệ người dân Italy ủng hộ việc rời EU đang ngày càng gia tăng. Hiện nay, hơn 33% dân chúng Italy muốn rời khỏi EU, trong khi chỉ chưa đầy 50% cho rằng đây là một ý tồi. Với việc cảm thấy bị “bỏ rơi”, người dân Italy đã trở nên ít tin tưởng vào EU (chỉ có 25% là tin tưởng) và đa số (67%) cho rằng việc làm thành viên của EU là một điều bất lợi.
Italy cuối cùng rồi cũng sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 nhưng lúc đó, nước này chắc chắn sẽ trở nên nghèo hơn và có tư tưởng hoài nghi châu Âu nhiều hơn. Không ai biết được tình hình lúc đó sẽ đi đến đâu và một “câu chuyện buồn Brexit” lặp lại ở EU cũng sẽ không phải là điều không thể.
Theo CAND