Chế biến thủy sản đông lạnh tại Cholimexfood. (Ảnh: TTXVN phát)
Sau hai tháng thực khi, các cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại đã bắt đầu được hiện thực hóa, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam đã chủ động tận dụng ưu đãi để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU, tạo động lực phát triển thương mại trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.
Nội dung này được các chuyên gia cho biết tại Hội thảo "Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU: Những điều doanh nghiệp cần biết" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF - Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/10.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho biết EVFTA là hiệp định được cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng về việc tạo cơ chế đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ một tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã có 7.200 bộ chứng nhận quy tắc xuất xứ được cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu vào EU. Nghĩa là đã có 7.200 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA, chiếm 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU trong tháng 8/2020.
Các mặt hàng có tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan cao sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là giày dép, thủy sản, nhựa, càphê, dệt may, túi xách, rau quả… Nhờ vận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản vào EU trong tháng 8/2020 đã tăng hơn 17% so với tháng 7/2020. Mặt hàng gạo không chỉ gia tăng về sản lượng xuất khẩu mà giá xuất khẩu cũng tăng đáng kể, trung bình từ 80-200 USD/tấn so với trước đó.
Đây là tín hiệu rất khả quan đối với tận dụng ưu đãi từ một FTA mới được thực thi bởi các FTA mà Việt Nam có trước đây đều phải mất tới hàng chục năm mới đạt được tỷ lệ tận dụng ưu đãi xấp xỉ 30%. Chưa kể, đối với thị trường EU, ngoài ưu đãi thuế theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, nhiều ngành hàng vẫn đang được áp dụng cơ chế ưu đãi GSP với mức thuế thấp hơn lộ trình giảm thuế của Hiệp định EVFTA.
Ông Phạm Hùng Tiến, Giám đốc Quốc gia FNF tại Việt Nam, chia sẻ EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với giá trị nhập khẩu đạt tới 2.000 tỷ euro. Đây cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 1,8% tổng nhu cầu nhập khẩu hàng năm của EU. Như vậy, dư địa để khai thác thị trường EU dành cho các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhất là với với nhiều mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản, nhựa…
Tuy nhiên, để có thể đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa những cơ hội, đạt tới con số tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng như kỳ vọng ban đầu, các doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết Hiệp định EVFTA cụ thể, liên quan đến hoạt động kinh doanh, từ đó có kế hoạch hành động, tận dụng hiệu quả các ưu đãi.
"Bên cạnh quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, EU là một trong những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cao nhất thế giới và chỉ có sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng đó mới được phép nhập khẩu vào EU. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý việc đáp ứng những yêu cầu chuẩn mực về kỹ thuật như an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường mà EU dặt ra mới có thể tiếp cận và khai thác hiệu quả khu vực thị trường này," ông Phạm Hùng Tiến nhấn mạnh.
Về phía Chính phủ và các bộ ngành liên quan, các chuyên gia cho rằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Hiệp định EVFTA đã nhanh hơn rất nhiều so với các FTA trước đây; trong đó có một số văn bản chuẩn bị trước, có hiệu lực cùng lúc với Hiệp định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận dụng.
Mặc dù vậy, so với nhu cầu tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp thì tốc độ ban hành các văn bản hướng dẫn vẫn chưa theo kịp thực tế, nhất là ở chiều chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU. Điều này không chỉ hạn chế việc tận dụng ưu đãi của các đối tác phía EU mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị từ EU phục vụ cho hoạt động sản xuất trong nước.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia khuyến nghị các cơ quan quản lý cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi; xây dựng cơ chế kết nối giữa Nhà nước và các cơ quan đại diện cho doanh nghiệp nhằm cập nhật và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các cam kết của cả hai bên. Từ đó, nâng cao tỷ lệ tận dụng các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, đưa hợp tác thương mại-đầu tư song phương giữa Việt Nam-EU lên một tầm cao mới./.
Theo TTXVN