Những ngọn đèn biển không chỉ dẫn luồng hàng hải, cứu hộ ngư dân khi gặp nạn trên biển mà còn là những cột mốc chủ quyền. Chính vì thế, công việc gác đèn ở Trường Sa cũng là việc làm thiêng liêng, đầy ý nghĩa.
Ở Trường Sa, mỗi cây đèn biển với những người gác đèn dũng cảm luôn là niềm tin cho ngư dân và tàu bè qua lại trong khu vực. Trong ảnh: Trạm hải đăng đảo
Nam Yết. Ảnh: K.VINH
Dũng cảm
Hiện nay, ngoài các ngọn hải đăng sừng sững trên các đảo nổi thì ở các đảo chìm cũng đã có đèn biển bằng sắt dựng lên giữa biển cả. Những ngọn đèn biển này đều được quản lý bởi Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (Bộ Giao thông - Vận tải). Không như các chiến sĩ trên đảo, anh em nhà đèn phải tự túc về thức ăn, đồ dùng. Ngoài những thứ dùng chung như gạo, dầu, mắm, muối, ai muốn mua thêm gì phải đặt trong đất liền. Sau đó sẽ có tàu của công ty tiếp tế.
Anh Phạm Văn Giới cho biết, mỗi nhân viên gác đèn ở Trường Sa như người lính giữa biển khơi, phải có bản lĩnh vững vàng trước sóng gió. Trong ảnh: Anh Giới bảo trì đèn biển trước khi thắp sáng, dẫn luồng hàng hải cho tàu bè qua lại trong
khu vực.Ảnh: K.VINH
Mỗi trạm hải đăng, ngoài trạm trưởng quản lý việc chung, còn có nhân viên kỹ thuật, nhân viên tự vệ, nhân viên điện đài… Mỗi người một việc, đến từ những vùng miền khác nhau. Họ đều có nhiệm vụ chung, nghe tưởng chừng như rất đơn giản: bật, tắt và bảo dưỡng hệ thống đèn biển theo giờ quy định. Những lúc đèn gặp sự cố, họ chỉ được phép xử lý trong vòng hai phút. Việc báo hiệu hàng hải bị gián đoạn sẽ khiến tàu thuyền mất phương hướng, đâm vào bãi ngầm, bãi san hô gây thiệt hại lớn về tài sản lẫn tính mạng.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thu trên đảo Song Tử Tây khi ông đến hội trường Ban chỉ huy đảo nhận quà đón tết từ đất liền. Ông Thu năm nay đã gần 60 tuổi. Ông nhẩm tính đã có đến hơn 30 năm làm việc ở Trường Sa. Coi như cả đời mình, ông cống hiến cho nghiệp gác đèn ở đảo.
Ông Đoàn Văn Tấn, Trạm trưởng hải đăng Sơn Ca cũng có 23 năm ròng rã làm việc ở Trường Sa. “Hồi đó đi Trường Sa như ra chiến trường, thiếu thốn nhiều thứ nhưng tôi vẫn quyết tâm đi làm nhiệm vụ”, ông Tấn chia sẻ. Do đặc thù công việc, mỗi năm chỉ về phép một lần và khi ra lại đảo thì phải đổi trạm nên đến giờ ông Tấn đã đi gần hết các nhà đèn ở Trường Sa.
Ông Tấn cho biết, làm việc ở đảo nổi có nhiều thuận lợi hơn ở đảo chìm. Ở đảo chìm, giữa bốn bề sóng nước, đèn biển chỉ là một cột thép cao ngất ngưởng giữa bãi san hô, xung quanh chỉ có nước và nước. Chẳng hạn, trạm hải đăng ở đảo Tiên Nữ, Đá Lát chỉ như một cột điện bằng thép cao 42m so với mực nước biển. Để có thêm niềm vui, người gác đèn ở đây thường bơi xuồng qua trụ sở đảo chìm trò chuyện với các chiến sĩ. Ông Tấn chia sẻ, giữa bốn bề sóng biển, chỉ một thao tác sơ sót hoặc thoáng lơ đễnh sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Trường Sa là nhà
Ở những trạm hải đăng đảo chìm, mỗi lần giông tố, mọi người đều chuẩn bị sẵn xuồng và phao cứu sinh. Ông Ngô Văn Thanh, Trạm trưởng hải đăng đảo Đá Thị kể: “Mùa biển động, bão tố đến dồn dập. Có những lúc biển nổi cơn thịnh nộ sóng gió lên đến cấp 11 - 12, sóng đánh lên tận đỉnh, theo tính toán không thể bảo đảm được sự an toàn của nhà đèn. Do vậy chúng tôi phải qua đảo trú ngụ theo hướng dẫn của cấp trên”.
Thế nhưng, ngồi trong pháo đài đảo chìm kiên cố, các nhân viên nhà đèn vẫn không thể an tâm. Vì tàu thuyền ngư dân sẽ đi về đâu giữa biển đêm giông tố nếu nhà đèn xảy ra sự cố? Nỗi đau đáu hay đơn thuần chỉ là lòng tự trọng về nghề nghiệp khiến anh em nhà đèn lại quay xuồng về trạm, bất chấp việc biển khơi có thể nuốt gọn chiếc xuồng nhỏ bé ngay trong đêm bão.
Gác đèn ở Trường Sa lâu ngày rồi cũng quen. Giữa bốn bề sóng biển, người gác đèn luôn tự túc lương thực, đánh bắt cá và trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn cho cả đội. Hàng ngày đúng 17 giờ 30 phút, những ngọn đèn biển ở Trường Sa bắt đầu phát sáng cho đến 6 giờ 30 phút hôm sau. Lịch hoạt động của nhân viên nhà đèn: sáng dậy tập thể dục, tắt đèn và chờ đến chiều. Tối phân ca trực, bật đèn và lại… chờ đến sáng. Trong đêm, ngoài “mắt thần” - đèn biển nhấp nháy, vẫn còn có những đôi mắt anh em nhà đèn hướng về phía biển.
Chúng tôi được anh Phạm Văn Giới, nhân viên nhà đèn trên đảo Sơn Ca đưa lên tận đỉnh ngọn hải đăng khi thực hiện thao tác bảo trì đèn biển. Anh Giới năm nay 50 tuổi, đã 4 năm ra đảo theo nghiệp gác đèn. “Mình từng ở Dĩ An (Bình Dương) làm nghề giao hàng mẫu cho Công ty LG Việt Nam. Nhưng đến năm 2010 do có người bạn chỉ cho nghề này nên ra Trường Sa gác đèn”, anh Giới tâm sự. Hỏi ra mới biết, anh thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, vợ vẫn còn làm công nhân ở Bình Dương và con gái đang học hệ cao đẳng mầm non trường Đại học Thủ Dầu Một. Giữa ngàn khơi sóng vỗ, anh Giới cho biết dù rất nhớ vợ thương con nhưng đã ra Trường Sa, theo nghiệp gác đèn thì tình cảm cá nhân được gác qua một bên.
Ở đảo, vượt qua mọi khó khăn, người gác đèn phải hòa mình vào đời sống sinh hoạt của đảo, coi Trường Sa là nhà, đồng nghiệp hay các chiến sĩ là anh em ruột thịt. Có vậy, người gác đèn mới sống hết mình với nghề đã chọn, ngày đêm chiếu sáng soi đường cho tàu bè qua lại trên lãnh thổ quê hương.
Đèn biển ở Trường Sa không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, soi đường cho tàu bè qua lại trong khu vực, cho đội tàu hàng chục ngàn chiếc của ngư dân Việt Nam bám biển, giữ chủ quyền Tổ quốc mà còn mang giá trị lịch sử to lớn. Thêm nữa, các ngọn hải đăng chưa một lần tắt tại Trường Sa cho thấy, Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực nhất của Hiệp hội báo hiệu hàng hải thế giới. Ngoài ra, đối với Hiệp hội thủy sản thế giới, việc những cây đèn biển của Việt Nam tại Trường Sa vẫn đều đặn thắp sáng mang một ý nghĩa cực kỳ to lớn, vượt ra khỏi tầm quốc gia và khu vực biển Đông.
LÝ KHÁNH VINH