Ảnh minh họaTheo số liệu tổng hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong quý 1/2013, cả nước có 15.707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 79.389 tỷ đồng.
So với quý 1/2012 thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 6,8% và số vốn đăng ký giảm 16,1%; so với quý 4/2012 thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,4% và số vốn đăng ký giảm 26,7%.
Tuy nhiên, nổi bật trong quý 1/2013, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng quay trở lại hoạt động là 7.645 doanh nghiệp.
Con số trên được đưa ra tại hội nghị công tác đăng ký kinh doanh nhằm triển khai công tác trong năm 2013 và định hướng cho các hoạt động dài hạn của Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới, do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, sáng 5/4, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá, công tác đăng ký kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển quan trọng, bám sát những chuyển biến lớn trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng tin tưởng rằng, chúng ta tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để công tác cải cách thực sự có ý nghĩa với mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ luôn ủng hộ và chỉ đạo sát sao công tác cải cách đăng ký kinh doanh vì một môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, thời gian qua, chương trình cải cách đăng ký kinh doanh đã thu được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam; nổi bật là khung pháp lý về đăng ký doanh nghiệp đã được hoàn thiện một bước nhằm đưa công tác đăng ký doanh nghiệp phát triển theo hướng thuận lợi, minh bạch và hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký kinh doanh vẫn còn tồn tại một số vướng mắc như hệ thống báo cáo trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia còn chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương.
Hiện nay, số doanh nghiệp mới chỉ phân theo ngành nghề dạng ngành công nghiệp, ngành chế biến, trong khi yêu cầu của các cơ quan chức năng là phải theo ngành nghề cụ thể. Đây là khó khăn lớn nhất kể từ khi triển khai hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, bà Đồng Thị Bích Chính, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đã cho biết như vậy.
Nhằm hoàn thiện công tác đăng ký kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới, Cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, Cục sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư một cách đồng bộ; tạo hành lang pháp lý bình đẳng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thực hiện thủ tục gia nhập thị trường; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin doanh nghiệp, khớp nối dữ liệu về tình hình doanh nghiệp với cơ quan thuế, cơ quan thống kê nhằm tạo dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, tập trung, cung cấp cho cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước những thông tin chính xác, có giá trị về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Theo TTXVN