Gặp gỡ, đối thoại giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động 

Cập nhật: 20-09-2016 | 07:38:46

Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về việc hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, Hải quan Bình Dương và Hội Xuất nhập khẩu tỉnh vừa tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại DN xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, nhiều thắc mắc về thuế, thủ tục hải quan, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của đại diện các DN đã được giải đáp tại chỗ.

 

Đối thoại là một trong những giải pháp hiệu quả giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH NewChoice Foods (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II)

 

Lợi thế xuất xứ hàng hóa

Theo VCCI Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 9-2016, tỉnh Bình Dương có 622 DN đề nghị được cấp C/O, tăng 8 DN so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số chứng nhận, hồ sơ thương mại được cấp từ đầu năm đến nay là 46.000 bộ các loại; trung bình cơ quan này phải thực hiện cấp 300 hồ sơ/ngày và 38 hồ sơ/giờ.

Dẫn đầu danh sách được cấp C/O vẫn là các DN đầu tư nước ngoài (FDI), với số lượng hồ sơ C/O mỗi DN khoảng 2.000 bộ/ đơn vị, DN. DN được cấp C/O tập trung vào các ngành nghề đồ gỗ và trang trí nội thất, chiếm 31%; máy móc thiết bị, chiếm 25%; ba lô, túi xách, chiếm 15%; giày dép, dệt may, chiếm 13%... Có thể nói, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, C/O là một lợi thế cạnh tranh quan trọng khi các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.

Bên cạnh C/O “đi”, tại hội nghị, đại diện nhiều DN cũng đặt vấn đề C/O “đến”. Lãnh đạo một số doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh cho rằng, do yêu cầu sản xuất, các công ty phải nhập khẩu máy móc thiết bị từ nước ngoài, trong đó có máy móc thiết bị đã qua sử dụng. Tuy đã có văn bản pháp luật quy định về chất lượng, niên hạn sử dụng của các máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhưng căn cứ để thẩm định, đánh giá chất lượng thì còn quá lỏng lẻo, khó áp dụng. Vì thế, các công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hải quan cho biết, không chỉ DN bị vướng mà trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ ngành hải quan cũng vướng. Chẳng hạn, quy định thiết bị đã qua sử dụng phải trong thời hạn 10 năm. Điều này đã rõ, nhưng tỷ lệ % chất lượng thiết bị như thế nào thì phải do cơ quan thẩm định độc lập, được pháp luật công nhận thẩm định. Kết quả thẩm định phù hợp với quy định thì mới được thông quan.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, nhằm tạo thuận lợi cho DN hoạt động đúng theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ, đối với những tờ khai hải quan của DN nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng phù hợp với yêu cầu thực tế, có xác nhận của cơ quan chức năng nhưng còn thiếu một vài giấy tờ như kết quả thẩm định, chứng nhận thời hạn sản xuất… Cục Hải quan có thể xem xét cho thông quan lô hàng để kịp phục vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, DN phải làm cam kết lô hàng trên phải được đưa vào sử dụng đúng giấy phép nhập khẩu, đúng cam kết và bổ sung đầy đủ các giấy tờ, chứng nhận còn lại đúng thời gian cam kết.

Thoáng, nhưng phải đúng

Lãnh đạo một DN thuộc Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thắc mắc: “Chúng tôi mua gỗ tròn từ một DN hợp pháp để chế biến, sản xuất, xuất khẩu và phải tạm nộp 10% thuế giá trị gia tăng (VAT), khi sản xuất, xuất khẩu thì không được khấu trừ lại 10% VAT đã nộp. Điều đáng nói, cùng một quy định (khoản 5, Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng) nhưng ở tỉnh này thì giải thích kiểu này, tỉnh kia lại giải thích kiểu khác. Chúng tôi muốn nộp đơn “đòi” lại 10% này có được không”? Về vấn đề này, đại diện Cục Thuế tỉnh cho biết, quy định tại khoản 5, Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng đã nói rõ, đối với hàng hóa thuộc diện được ưu đãi, miễn thuế mà hồ sơ chưa thể hiện đủ các chứng từ liên quan thì DN có thể tạm nộp 10% VAT để đưa hàng hóa, nguyên liệu về nhà máy để sản xuất. Sau khi hoàn tất sản xuất, xuất khẩu, nếu DN cung cấp đủ các yêu cầu thủ tục theo quy định thì sẽ được hoàn thuế theo quy định. Tuy vậy, do vụ việc xảy ra ở tỉnh khác, nơi khác, Cục Thuế không quản lý nên không thể trả lời cụ thể được.

Đối với vấn đề quy định về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng còn nhiều vướng mắc được một số đại diện DN đưa ra tại hội nghị, ông Nguyễn Trường Giang nói, để DN thuận lợi hoạt động trong khi chờ bổ sung kết quả giám định, Hải quan Bình Dương có thể cho thông quan lô hàng khi hồ sơ chỉ còn một vài chi tiết nhỏ và DN phải có cam kết lô hàng trên được sử dụng đúng giấy phép, hồ sơ đã đăng ký nhằm giúp DN thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Ông cũng cho rằng, nhằm sớm tháo gỡ những vướng mắc nói trên, DN cần tích cực nêu ý kiến tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn để các cấp có thẩm quyền tiếp thu, sớm chỉnh sửa…

Ghi nhận cho thấy, qua buổi đối thoại với DN, các cơ quan VCCI, thuế, hải quan rất quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN trên địa bàn tỉnh trong quá trình hoạt động, đúng với tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.

DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên