Gấp rút tháo gỡ điểm nghẽn về vốn cho doanh nghiệp

Cập nhật: 31-07-2024 | 08:26:25

Việc tồn tại những điểm nghẽn trong tiếp cận vốn vẫn là một rào cản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Các nhà hoạch định chính sách đang tích cực nhận diện, tìm hiểu nguyên nhân và những điểm bất cập để từ đó có thể đề ra các giải pháp tháo gỡ hiệu quả nhất. Đây là mục đích của diễn đàn “Tiếp cận vốn - khơi thông điểm nghẽn” vừa được Hiệp hội DNVVN Việt Nam (VINASME) phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần qua tại Bình Dương.

 Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc khó khăn trong tiếp cận vốn. Trong ảnh: DN nêu ý kiến trong tiếp cận vốn tại diễn đàn

 Xác định điểm nghẽn

Tại diễn đàn, việc định giá tài sản tại các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay đang là một vấn đề được nhiều doanh nghiệp (DN) nêu lên. Ông Nguyễn Trí Kỷ, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN tỉnh Đắk Nông, cho hay hiện nay, DN đang rất “khát vốn”. Tuy nhiên, việc định giá tài sản thấp so với thị trường cũng khiến DN khó khăn trong việc mở hồ sơ vay… Vì vậy, cần có quy định cụ thể trong định giá tài sản để vay vốn. “Điều quan trọng là làm sao để tiếp cận nhanh được nguồn vốn. Ngân hàng nên xem xét cho DNVVN vay tín chấp. Nếu mỗi DNVVN được vay tín chấp trong hạn mức khoảng 500 triệu đồng thì sẽ giảm áp lực rủi ro cho ngân hàng”, ông Nguyễn Trí Kỷ đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Thanh Uyên, chuyên gia tư vấn Trung tâm Phát triển nhân lực số trường Đại học Bình Dương nêu thực tế tại Việt Nam DNVVN chiếm tỷ lệ khoảng 98% tổng số DN, nhưng đa số đều không có khả năng chi trả cho nguồn lao động chất lượng cao. Cùng với đó, khoảng 50% số DN này thiếu vốn, 50% thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Nhiều DN không còn tài sản thế chấp vay vốn, do vậy rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý và các ngân hàng để tháo gỡ điểm nghẽn “khát vốn” này.

Trong khi đó, ông Vũ Đăng Khuê, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Trưởng ban Đào tạo, phát triển hội viên và hỗ trợ DN - Chi hội DNVVN phát triển kinh tế xanh Việt Nam, cho rằng điểm yếu nội tại lớn nhất của DN hiện nay là đa số các DN nhỏ, sức cạnh tranh yếu, năng lực quản lý, quản trị hạn chế, chi phí vận hành cao, thua lỗ trong sản xuất kinh doanh nên rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi.

Còn ông Lưu Việt Linh, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, nhận xét hiện các DNVVN có quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị còn nhiều hạn chế. Đáng lưu ý hơn, phần lớn DNVVN có báo cáo tài chính thiếu tin cậy. Trong khi đó, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng…

Làm rõ từng vấn đề

Chia sẻ tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, phía ngân hàng đã và đang có nhiều giải pháp đổi mới, linh hoạt hơn trong áp dụng phương thức cho vay. Ông Lưu Việt Linh cho biết thời gian qua, OCB đang áp dụng rộng rãi phương thức cho vay trên hồ sơ báo cáo tài chính, báo cáo thuế hàng năm. OCB không yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm khi vay vốn mà chỉ kiểm tra hồ sơ bảo hiểm rủi ro lô hàng hoặc công trình đang xây dựng... Do vậy, hồ sơ quản lý, kế toán DN cần lưu ý trong quá trình lưu trữ.

Ông Vũ Đăng Khuê cũng cho rằng, điểm nghẽn hiện nay không phải là làm sao để tiếp cận vốn mà cốt lõi là để DN thay đổi tư duy, tầm nhìn và xây dựng bộ quy trình tiếp cận vốn ngân hàng để từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Về vấn đề định giá thương hiệu đối với DN, ngoài tài sản thế chấp bằng bất động sản là các tài sản cố định, DN còn gì để thế chấp khoản vay ngân hàng? Vì vậy, trước nhất phải thay đổi từ DN, có sản phẩm tốt, kế hoạch kinh doanh bài bản, có khả năng tiếp cận thị trường, khả năng thu hồi vốn và có đội ngũ vận hành DN tốt… Có như vậy, tiếp cận vốn sẽ khả thi hơn.

Nguồn vốn được coi là mạch máu của DN, nhưng khi bị nghẽn lại, thiếu vốn sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Chính phủ đã đưa ra một số chương trình tài chính hỗ trợ lãi suất cho DN nhưng thực tế triển khai cho thấy còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong tiếp cận các chương trình này.

Theo bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tiếp cận được các nguồn vốn vay tín chấp, trong đó nguồn vốn vay từ Quỹ phát triển DNVVN, các DN phải đáp ứng các tiêu chí dành cho 2 đối tượng ưu tiên là DN đổi mới sáng tạo và DN nằm trong cụm liên kết chuỗi giá trị. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều ngân hàng thương mại trong nước áp dụng quy trình giải ngân vốn vay theo chuỗi giá trị đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo bà Hương, số lượng DN tiếp cận với nguồn quỹ này chưa nhiều, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế.

 Trên cơ sở các khó khăn, ách tắc được nêu, cùng các kiến nghị, đề xuất của DN, các cơ quan quản lý nhà nước và các ngân hàng dựa trên những vấn đề cụ thể đó để cùng tháo gỡ. Có sự thấu hiểu giữa các bên, quá trình tiếp cận vốn, giải ngân nguồn vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh sẽ cải thiện và phát triển hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, đối với những DN mong muốn tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Phát triển DNVVN và một số ngân hàng thương mại thì có thể kết nối với các đầu mối quỹ, ngân hàng thương mại để được hướng dẫn và cung cấp thêm thông tin…”.

(Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam)

 THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=659
Quay lên trên