Bài 3: Cha mẹ - chỗ dựa vững chắc cho các con
Với những giải thưởng khác nhau như: Gia đình thể thao tiêu biểu, giải nhì hội thi thời trang cả nhà cùng đẹp, giải nhất hội thi nấu ăn, hay cán bộ dân vận khéo… từ gia đình của thầy Ngô Minh Bình (TX.Thuận An) cho chúng tôi cảm giác về một mái ấm gia đình thật hạnh phúc. Hạnh phúc hơn khi trò chuyện cùng thầy Bình, chúng tôi biết được cả gia đình đang theo nghề giáo với những chuẩn mực xây dựng hạnh phúc rất riêng…
Những buổi thảo luận về chuyện đời, chuyện nghề như thế này luôn là động lực giúp 4 thành viên trong gia đình thầy Bình được gắn kết nhiều hơn. Ảnh: C.DANH
Thanh cao nghề giáo
Thầy Ngô Minh Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học (TH) Vĩnh Phú (TX.Thuận An) chào đón chúng tôi bằng một nụ cười thân thiện để nói chuyện về chủ đề gia đình. Với 30 năm vào nghề, hiện tại ngôi nhà lớn tại trường TH Vĩnh Phú được thầy Bình cùng tất cả thầy cô vun đắp nên đại gia đình. Tất cả tình yêu thương được dành cho nhau để khi vào việc mỗi người đều phải hết sức tự giác. Đó là cách mà thầy Bình đang quản lý, sự thoải mái sẽ mang lại hiệu quả công việc cao nhất.
Thầy Bình nói: “Hồ Chí Minh đã dạy, 100 bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống. Vì thế, với chúng tôi, cha mẹ luôn là tấm gương để con mình học tập và ở trường thầy cô giáo cũng là cha mẹ để khuyên dạy các em nên người. Các em ở bậc tiểu học, chúng tôi rất quan trọng trong việc dạy nhân cách. Do vậy, ở trường ngoài làm cha, làm mẹ chúng tôi còn là người bạn để tạo sự gần gũi nhất cho các em sẻ chia…”. Đó là cách mà chính thầy đã áp dụng từ khi còn trực tiếp giảng dạy học trò và giờ đây thầy cũng truyền lại cho đồng nghiệp của mình để làm tốt công tác của người “đưa đò”. Đặc biệt hơn, chính thầy đã tạo sự gần gũi với tất cả mọi người bằng phương châm sống “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thật sự cho hiệu quả công việc được tốt nhất. Nhưng dù cho thời gian của các thầy cô ở gia đình lớn này có thế nào đi nữa, thầy vẫn luôn nhắc mọi người đừng quên đến chính cái gốc, đó là gia đình nhỏ của mình.
Vun đắp gia đình từ những việc nhỏ
Nhắc đến gia đình của mình, trong mắt thầy ánh lên niềm hạnh phúc và thầy chia sẻ: “Tôi rất hài lòng vì chúng tôi đang cùng hội, cùng thuyền, cùng chung chí hướng cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Chúng tôi vì đàn em thân yêu mà cùng sánh bước. Còn với gia đình nhỏ, tất cả biết vì nhau, biết chia sẻ…”. Thầy Bình đã cho chúng tôi một ví dụ rất cụ thể để gia đình luôn hạnh phúc, chỉ cần 70% hòa hợp cùng nhau và 30% còn lại là tính cách, là con người rất riêng của mỗi thành viên. Chúng ta nên chấp nhận để thấy thoải mái nhất, nói hết suy nghĩ, tìm cách giải quyết vấn đề, đó là hạnh phúc.
Xã hội ngày một tiến bộ, bình đẳng giới ngày càng cao, người phụ nữ cần được giao tiếp, được sẻ chia công việc nhà để gia đình ấm áp hơn. Biết trước được điều đó, khi con cái đã lớn, chính thầy đã khuyên vợ, cô Phạm Thị Bình mạnh dạn đăng ký theo nghề giáo. Thế là cô Bình cũng cắp sách đến trường, ấy vậy mà đến nay cũng đã có thâm niên với nghề “gõ đầu trẻ” trên 15 năm. Cô Bình chia sẻ: “Với tôi, sự ôn hòa trong giao tiếp giữa vợ chồng và con cái giống câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê” luôn rất cần thiết để giữ hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, bữa cơm chiều đối với một gia đình là vô cùng quan trọng, bởi tại bữa cơm này mà các thành viên cùng được trao đổi hay kể cho nhau nghe những việc diễn ra trong ngày hay kế hoạch dự tính sắp tới của gia đình cần có sự thống nhất chung ở tất cả các thành viên…”.
Khi con cái đã bước vào giai đoạn cần được định hướng nghề nghiệp, cả thầy và cô đều rất mong muốn hai con nối “nghiệp” ba mẹ. Qua phân tích của ba mẹ, Thoại Vy và Đình Bảo đều lựa chọn chính con đường của ba mẹ mình. Hiện tại, Thoại Vy đã có thâm niên nghề giáo 4 năm tại trường TH Bình Nhâm (TX. Thuận An). Còn với Đình Bảo cũng đã bước sang năm thứ 3 được đồng nghiệp, học trò yêu quý tại trường TH Trần Quốc Toản (TX.Thuận An). Với công việc của mình, Bảo cho chúng tôi thấy được sự nhiệt huyết và kinh nghiệm tràn đầy trong việc dạy của mình. Đó là, với những học sinh cá biệt thì vấn đề giáo dục tình cảm rất quan trọng, giáo viên phải tìm hiểu đặc điểm, hoàn cảnh của từng học sinh. Qua đó, sử dụng tình cảm tạo sự gần gũi, tin tưởng cho học sinh để đánh vào tâm lý học sinh một cách thuyết phục nhất, xoay chuyển những suy nghĩ, hành động không tốt của các em, đưa các em trở về một học sinh chăm ngoan, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Riêng với Thoại Vy, gia đình hạnh phúc là một gia đình cần phải có sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên, sống đúng theo đạo đức kính trên nhường dưới, tôn trọng lẫn nhau, nghe lời ba mẹ, chỉ dạy cho em mình những điều hay… đó cũng chính là những trang giáo án thiết thực nhất của cả 4 thành viên cùng thực hiện công việc của người “đưa đò”, cùng vì đàn em thân yêu của mình.
Bài cuối: Cả nhà cùng gìn giữ di sản
SONG ANH