Những tháng gần đây, giá mủ cao su trên thị trường thế giới tăng đã làm cho giá mủ cao su trong nước cũng tăng theo. Người dân trồng cao su tiểu điền trong tỉnh cũng đang khấp khởi vui mừng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình hình giá mủ cao su còn rất nhiều biến động trong thời gian tới.
Giá lên xuống thất thường
Theo các đại lý thu mua mủ cao su tại khu vực Đông Nam bộ, hiện giá mủ cao su tươi mua vào từ 6.500 - 12.000 đồng/kg, tăng 1 - 2,5 triệu đồng/tấn so với đầu tháng 9-2016. Nguyên nhân giá mủ cao su tươi tăng là do một số nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn đã giảm sản lượng khai thác vì giá mủ thời gian qua xuống thấp. Cùng với đó, các quốc gia trong khu vực có sản lượng cao su xuất khẩu lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đang giảm sản lượng mủ do ảnh hưởng thời tiết. Trong khi đó, mặt hàng cao su thiên nhiên đã ổn định được thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc, vì nhu cầu sản xuất săm lốp ô tô của thị trường này đang đà tăng nhẹ.
Khai thác mủ cao su tại Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa. Ảnh: HẢI SÂM
Riêng về cao su sơ chế SVR3L, quýI-2016 giádao động ở mức 26 - 28 triệu đồng/tấn, đến cuối tháng 4-2016 đã tăng lên 37 triệu đồng/tấn nhưng không kéo dài. So với mức giá chạm đáy vào đầu năm 2016 là 26 triệu đồng/tấn thì với mức giá 33 - 34 triệu đồng/tấn hiện tại đang mang lại niềm vui cho người trồng cao su. Bà Huỳnh Thị Hạnh, ở xã An Linh, huyện Phú Giáo chia sẻ, theo tính toán 1 ha cao su trồng giống tốt, chăm sóc, khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi lần cạo bà thu được 60kg mủ nước. Với giá bán hiện nay là 300 đồng/độ, tức khoảng 9.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí bà còn lãi khoảng 250.000 đồng.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa cho biết, giá mủ cao su bình quân thời điểm hiện tại khoảng 36 - 37 triệu đồng/tấn. Hiện ước lợi nhuận từ sản xuất cao su của công ty chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/tấn. Lý do lợi nhuận còn thấp vì từ đầu năm giá bán mủ cao su thấp, đến cuối năm giá bán tăng lên thì chi phí giá thành cũng tăng lên.
Tác động từ giá dầu
Ghi nhận cho thấy, cuối ngày 10-11, giá mủ cao su trên sàn Tocom (Nhật Bản) đã leo lên 205 yên/kg (khoảng 40.000 đồng/kg), mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. So với mức đáy được thiết lập hồi đầu năm thì giá cao su hiện đã tăng gần 40%. Sự phục hồi ấn tượng trong thời gian gần đây của giá cao su đã khiến giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu. Trong phiên giao dịch mới đây, hàng loạt cổ phiếu cao su niêm yết của các công ty như Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Tây Ninh (TRC), Cao su Quảng Nam (VHG), Cao su Thống Nhất (TNC)… đều tăng kịch trần.
Lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, trong số 5 doanh nghiệp (DN) cao su trực thuộc, tính từ đầu năm đến hết tháng 9-2016 có 3 DN tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ 2015 là Cao su Phước Hòa, Cao su Thống Nhất và Cao su Tây Ninh. Trong đó Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa lãi 133 tỷ đồng, tăng 82,7%; Công ty Cao su Tây Ninh lãi 38,3 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2015. Với các DN cao su, bên cạnh lợi nhuận từ khai thác và bán mủ, còn có lợi nhuận từ bán gỗ cao su (thanh lý cây cao su).
Theo một chuyên gia phân tích chứng khoán, có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc giá cao su tăng trưởng trở lại trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân được chú ý nhất là mối quan hệ với giá dầu mỏ. Sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thông báo cắt giảm sản lượng dầu mỏ khai thác, giá dầu thô thế giới có dấu hiệu tăng lên. Giá dầu tăng kéo theo giá cao su tự nhiên tăng. Đã có dự đoán cho rằng giá dầu sẽ hướng tới mục tiêu 60 USD/thùng. Tuy nhiên, diễn biến giá dầu trong thời gian gần đây có vẻ không lạc quan đến vậy. Vị chuyên gia này khẳng định, cổ phiếu các DN cao su tự nhiên tăng mạnh chủ yếu dựa vào giá dầu thô hơn là kết quả kinh doanh thực tế của DN.
Đóng cửa phiên giao dịch 14-11-2016, giá dầu thô trên thế giới ở mức 44,66 USD/thùng. Trong 1 năm trở lại đây, mặc dù có giai đoạn tăng trưởng ấn tượng nhưng giá dầu chưa bao giờ đạt ngưỡng 55 USD/thùng. Gần đây, theo dự đoán của Forbes, đà tăng của giá dầu sẽ tiếp tục gặp những trở ngại do kỳ vọng về việc cắt giảm sản lượng của OPEC đang dần trở nên mờ nhạt. Theo báo cáo, sản lượng khai thác từ các thành viên OPEC như Iran, Libya, Iraq và Nigieria đã tăng thay vì giảm như đã tuyên bố. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng đang sẵn sàng đưa các giàn khoan trở lại, hứa hẹn sản lượng toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới.
Forbes còn đưa ra dự đoán u ám về giá dầu rằng mức giá của sản phẩm này đang hướng về mốc 20 USD/thùng. Nếu điều này xảy ra, giá mủ cao su sẽ lại đảo chiều. Đây là cảnh báo đến các nhà kinh doanh chứng khoán và cả những hộ trồng cao su đang kỳ vọng vào giá cả của mủ cao su.
Giữ vững diện tích theo quy hoạch
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, cuối năm 2015 lực lượng công nhân trong ngành đã giảm 20.000 lao động so với năm 2014 do giá mủ cao su thấp; trong hoàn cảnh đó các DN buộc phải giảm nhân công lao động nhằm cân đối lại nguồn thu - chi. Do vậy, việc giá mủ cao su tăng từ khoảng tháng 6-2016 đến nay chưa bảo đảm cho sự phát triển ổn định của ngành cao su cả nước trong thời gian tới. Trong khi đó, các nước xuất khẩu mủ cao su lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… cũng đang có chủ trương hạn chế tăng diện tích và sản lượng mủ cao su nhằm hạn chế nguồn cung để bảo đảm giá cao su không bị “rớt”.
Tại Bình Dương, hiện diện tích cây cao su là hơn 130.000 ha, cho khai thác gần 110.000 ha; sản lượng đạt hơn 190.000 tấn mủ quy khô/năm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện diện tích cao su của tỉnh đã vượt quy hoạch đến năm 2020 hàng ngàn ha. Chính vì thế sở khuyến cáo các hộ trồng cao su không nên chạy theo giá cả thị trường tức thời mà tăng diện tích cao su, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung của cả ngành và sẽ đem lại nhiều nguy hại cho ngành cao su trong nước.
Có thể thấy, giá mủ cao su tăng trong thời gian qua phụ thuộc nhiều vào yếu tố giá dầu thế giới, sản lượng giảm của một số nước xuất khẩu mủ cao su lớn do thời tiết thất thường… Nhưng theo các chuyên gia, các yếu tố này sẽ sớm thay đổi; giá mủ cao su tăng hay giảm trong thời gian tới cũng phụ thuộc vào sự thay đổi này.
Giá cả cao su tăng thời gian gần đây buộc một số công ty cao su tại Bình Dương phải điều chỉnh giá thu mua. Riêng Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh giá thu mua đến 55 lần nhằm phù hợp với giá thị trường thế giới. Theo đại diện Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, hiện có một số thương lái chèo kéo người dân thu mua mủ với giá cao bất thường. Một số người dân chạy theo lợi nhuận phá vỡ hợp đồng đã ký kết với đơn vị thu mua để bán mủ cho các thương lái, gây bất ổn cho thị trường. Công ty đã kiến nghị với Sở Công thương nhằm chấn chỉnh tình trạng thu mua mủ trái phép đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
XUÂN VĨ