Giá xăng tăng cao, các doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng cước

Cập nhật: 08-05-2015 | 06:21:27

 Giá xăng tăng cao, các doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng cước

Ảnh minh họa.

Giá xăng RON 92 tăng đột ngột gần 2.000 đồng/lít, từ 17.280 đồng/lít lên mức 19.230 đồng/lít vào 21 giờ ngày 5-5 đã tác động tới nhiều ngành nghề, tuy nhiên, mức tác động là không lớn.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, xăng dầu chiếm tới 45-50% trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp vận tải.

Giá xăng tăng gần 2.000 đồng/lít, tương ứng với khoảng 14% là mức tăng đáng kể, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.

Trước mắt, các doanh nghiệp vận tải taxi sẽ là những đơn vị chịu tác động, tuy nhiên sẽ không nhiều. Các doanh nghiệp vận tải khách sử dụng dầu sẽ chưa bị ảnh hưởng.

Cũng theo ông Thanh, dự kiến, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc mức tăng giá cước taxi ở mức từ 4-5%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang tính toán cụ thể mức điều chỉnh, vì các vấn đề liên quan đến thủ tục kê khai giá, thay đổi bảng giá, đồng hồ tính tiền... sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

“Hiện, chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá, nhưng nếu trong thời gian tới, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng, khiến giá xăng dầu trong nước tăng thêm thì các doanh nghiệp vận tải buộc phải tính đến chuyện tăng giá cước,” ông Thanh nói.

Đại diện doanh nghiệp taxi, ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Taxi Hương Lúa cho hay, giá xăng tăng lần này gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Dù vậy, doanh nghiệp Hương Lúa vẫn sẽ cố gắng cầm cự, tiết giảm chi phí đầu vào khác để giữ giá cước, chung tay chia sẻ khó khăn với người dân.

Tuy nhiên, ông Sáu cũng khẳng định, nếu xăng tiếp tục tăng trong lần điều chỉnh tới, doanh nghiệp buộc phải tính toán, cân đối lại để điều chỉnh giá cước.

Ở các ngành sản xuất khác như thép, phân bón, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cho hay, việc tăng giá xăng vừa qua chưa gây nhiều tác động tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa cho hay, cước vận tải chỉ chiếm phần nhỏ trong cấu thành giá của các doanh nghiệp sản xuất thép, nhưng khi cước vận tải tăng cũng sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất.

Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải cắt giảm chi phí sản xuất để không làm tăng giá thành sản phẩm. Cho đến thời điểm hiện tại, hiệp hội cũng chưa nhận được những phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề này.

Ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng đánh giá, xăng dầu chỉ chiếm phần nhỏ trong cấu thành giá thành phẩm của các doanh nghiệp. Do đó, khi xăng tăng giá sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Các doanh nghiệp sẽ tiết giảm chi phí khác để bù vào chi phí tăng giá này. Khó khăn hiện nay của doanh nghiệp sản xuất phân bón nằm ở Luật 71 về thuế VAT cho mặt hàng phân bón.

Vào thời điểm ngày 4-5, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến lên mức 80.89 USD/thùng, khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ tính giá ngày 5/5 chênh lệch cao hơn so với giá bán khoảng 3.300 đồng/lít. Đây là lý do khiến Liên Bộ Công Thương-Tài chính quyết định tăng giá xăng lên 1.950 đồng/lít./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2624
Quay lên trên