Bình Dương được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan thiên nhiên đẹp, mát mẻ nhờ có 3 con sông lớn chảy qua địa bàn là Sài Gòn, Đồng Nai và sông Bé. Đây là cơ sở để Bình Dương đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái (DLST) gắn với sông ngòi, nhằm thu hút du khách về Bình Dương, nhất là vào dịp cuối tuần.
Hồ Dầu Tiếng đang là điểm đến được nhiều du khách yêu thích. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Còn nhiều khó khăn
Với lợi thế sẵn có về sông nước, các địa phương trong tỉnh nằm dọc các con sông có điều kiện để phát triển DLST, như vườn cây ăn trái Lái Thiêu (TX. Thuận An), cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên)… Bên cạnh đó, các địa điểm du lịch có cảnh quan đẹp như hồ Dầu Tiếng, núi Cậu (huyện Dầu Tiếng), Khu du lịch Đại Nam (TP.Thủ Dầu Một)… cũng là điểm đến thu hút du khách vào dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, theo phó giáo sư Huỳnh Quốc Thắng (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh), mặc dù Bình Dương có lợi thế giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, thuận lợi về di chuyển bằng đường bộ, đường thủy và các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên nhưng DLST, du lịch văn hóa của tỉnh chưa được khai thác triệt để, vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên. Điển hình như du khách đến khu vực vườn cây ăn trái Lái Thiêu chủ yếu là để thăm vườn và thưởng thức trái cây vào vụ mùa, còn khả năng du khách lưu trú qua đêm tại đây hầu như rất ít.
Theo các chuyên gia, một điểm cần nói đến là hạ tầng phục vụ DLST trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, số lượng nhà hàng, khách sạn phục vụ loại hình DLST chưa nhiều và sự liên kết giữa các điểm DLST, làng nghề còn rời rạc. Qua khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nhiều chuyên gia cho rằng những sản phẩm DLST ven sông Sài Gòn được tỉnh và các khu du lịch chú trọng phát triển trong thời gian qua, nhưng hạ tầng còn chưa tốt, chỉ có một số điểm được đầu tư khá tốt như Dìn Ký, Phương Nam, Tiamo Phú Thịnh… Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực phục vụ các điểm du lịch đa số chưa được đào tạo bài bản, thiếu chuyên nghiệp; các sản phẩm du lịch và các dịch vụ du lịch khác đi kèm còn khá đơn sơ…
Tăng cường đổi mới, liên kết
Thạc sĩ Phạm Trần Quang Hưng (trường Đại học Bình Dương), cho rằng thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn khách du lịch đến Bình Dương qua các dịp lễ, hội, Khu du lịch Đại Nam… Riêng tại các điểm du lịch ven sông trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển DLST nhưng hiện chủ yếu vẫn là hạ tầng tự phát của người dân tại địa phương. Khách của các điểm này đa số là người dân địa phương đến vui chơi, giải trí vào dịp cuối tuần. Do đó, để đẩy mạnh phát triển DLST, tỉnh cần có sự đổi mới trong việc xây dựng hạ tầng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch…
Thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Đề án Phát triển DLST và làng nghề tỉnh Bình Dương, Quyết định số 63/2016 về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021…, tới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị cung cấp những định hướng về phát triển DLST vườn đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là các chủ nhà vườn để hình thành và phát triển loại hình DLST vườn phục vụ khách đến tham quan. |
Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết để khai thác tốt tiềm năng du lịch ven sông Sài Gòn và định hướng phát triển DLST, xây dựng các điểm đến du lịch cuối tuần, sở đã phối hợp với Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cùng với các đơn vị lữ hành khảo sát tuyến du lịch đường sông tầm trung (tuyến Sài Gòn - Bình Dương - Củ Chi) với nhiều điểm đến như Dìn Ký, Tiamo Phú Thịnh, nhà cổ Trần Văn Hổ, đình Phú Long, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp… Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ tăng cường liên kết, xây dựng các tour du lịch kết hợp DLST với du lịch khám phá, tham quan các địa điểm, danh thắng, di tích trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, để phát triển DLST nói riêng và ngành du lịch của tỉnh nói chung, không chỉ trông chờ vào lợi thế, tiềm năng du lịch của địa phương, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa “ba nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà vườn). Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy phát triển DLST là yếu tố tiên quyết.
Các nhà vườn tại Lái Thiêu, Bạch Đằng cũng khẳng định, DLST chỉ hiệu quả khi có sự xúc tiến từ nhiều phía. Trước hết, cần có sự quan tâm đến chính sách cụ thể từ Nhà nước, trước mắt và lâu dài như thế nào; cùng với đó cần có chính sách đặc thù hỗ trợ cho nông dân ra sao. Ngoài ra, các địa phương cũng cần thiết lập, kết nối tạo ra nhiều điểm dịch vụ cho ngành du lịch trong tỉnh, nếu chỉ có vài điểm như An Sơn, Bạch Đằng thôi thì chưa đủ tạo nên dấu ấn DLST của tỉnh.
Đại diện các đơn vị kinh doanh lữ hành cho hay, họ rất quan tâm đến việc liên kết với các công ty du lịch, mời gọi tham gia xây dựng các tour đặc thù của từng địa phương. Vấn đề nữa là phải có lợi nhuận thì người dân mới quan tâm tham gia phát triển các loại hình du lịch. Do đó, việc kết nối “ba nhà” để phát triển DLST là hết sức quan trọng.
HOÀNG PHẠM