Bác Hồ đã từng nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Vì ý nghĩa đó các trường phổ thông luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh (HS). Đối với HS trung học cơ sở (THCS), việc giáo dục đạo đức (GDĐĐ) được các trường đặt nặng, bởi ở lứa tuổi này các em đang phát triển mạnh về thể chất, tinh thần và tình cảm. HS rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực, nếu các em không được giáo dục đúng mực sẽ dễ dẫn đến những sai lệch chuẩn mực đạo đức.
Trường Trung tiểu học Đức Trí GDĐĐ HS qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ
Nhiều hình thức giáo dục
Ông Võ Thành Danh, Trưởng phòng Công tác HS, sinh viên Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nhìn nhận, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, tăng cường GDĐĐ cho HS THCS. Hoạt động này được nhà trường thực hiện đồng thời với việc xây dựng văn hóa học đường ở các trường học. Các trường thường xuyên tuyên truyền, giáo dục HS về ý nghĩa của việc thực hiện văn hóa học đường, ý thức bảo vệ, giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hóa qua cách ăn mặc, giao tiếp với mọi người xung quanh, ý thức tự học, tự rèn, chấp hành pháp luật, nội quy nhà trường.
Hoạt động GDĐĐ cho HS không phải là những lời giáo điều, mà được giáo viên (GV) lồng ghép vào các môn xã hội, nhất là môn giáo dục công dân. Cô Trương Thị Xử, Trưởng khoa lý luận - chính trị trường Đại học Thủ Dầu Một, người đã có đề tài nghiên cứu về GDĐĐ cho HS THCS đã nhận xét, GV dạy môn giáo dục công dân ở các trường THCS đang từng bước đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp khá hợp lý các phương pháp dạy học đàm thoại, thảo luận nhóm; kết hợp phương pháp dạy học với phương tiện dạy học hiện đại đã giúp HS nỗ lực, hứng thú trong học tập và có điều kiện rèn luyện nhiều phẩm chất cần thiết như: tự chủ, tự tin, sáng tạo…
Những năm gần đây, hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho HS được các trường xem là nội dung cần giáo dục cho các em. Song hành với đó, các hoạt động ngoài giờ lên lớp đã hình thành cho HS những phẩm chất đạo đức. Việc nêu gương tốt qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm; khen thưởng kịp thời những HS đạt thành tích trong học tập, rèn luyện cũng là chất xúc tác, góp phần tích cực trong việc GDĐĐ cho HS.
Việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong GDĐĐ cho HS ngày càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt là vai trò của GV chủ nhiệm rất quan trọng, GV thông tin cho phụ huynh biết về tình hình học tập của con em họ, đồng thời hai bên cùng bàn bạc để tìm ra phương án tối ưu để giáo dục HS đạt hiệu quả tốt nhất. Cô Nguyễn Thanh Lan Thảo, GV trường THPT Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) cho biết, GV chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong GDĐĐ cho HS. Một GV chủ nhiệm năng nổ, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao, yêu mến HS, hiểu được hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm sinh lý HS, biết lựa chọn phương pháp, biện pháp GDĐĐ phù hợp, khéo léo xử lý tình huống bất ngờ xảy ra, sẽ dễ dẫn đến kết quả tốt đẹp, HS chăm học, ngoan hiền…
Trường học thân thiện, HS tích cực
Đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” cũng sẽ góp phần tích cực trong việc GDĐĐ cho HS. Những hoạt động trọng tâm của phong trào này là xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn, phòng chống các hành vi mang tính bạo lực trong nhà trường; giáo dục kỹ năng sống cho HS; tổ chức các hoạt động giữ gìn, phát huy văn hóa dân gian; các hội thi văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian. Theo ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT, các đơn vị đã có nhiều cố gắng đưa các hoạt động mang tính dân gian vào nhà trường. Các hoạt động phong trào được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, thu hút HS tham gia. Các trường đều có tài liệu để giới thiệu cho HS những di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng của địa phương; tổ chức cho các em chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia về nguồn. Ngoài ra, các hoạt động TDTT, trò chơi dân gian, hát múa dân ca, cắm trại, dã ngoại, các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi các em, đã phát huy được vai trò chủ động, tích cực, góp phần giáo dục kỹ năng sống và xây dựng môi trường văn hóa học đường cho HS.
Có thể nói, lứa tuổi HS THCS không nhỏ, nhưng cũng chưa đủ lớn, các em có tâm sinh lý chưa ổn định và dễ bị tác động từ những hoạt động tích cực và tiêu cực. Việc GDĐĐ cho HS THCS ngày nay cần được đổi mới cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Cô Trần Xuân Mai, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (TP.TDM) đã đúc kết: “Để GDĐĐ HS một cách tích cực, ngoài những phương pháp truyền thống đã được thực hiện như: Đàm thoại, giảng giải, phương pháp nêu yêu cầu sư phạm, trách phạt, quan sát, trường Chu Văn An còn GDĐĐ HS một cách tích cực hơn, nhẹ nhàng hơn với phương pháp kể chuyện, nêu gương, khuyến khích và phương pháp luyện tập thông qua hoạt động của các em”.
Ông VÕ THÀNH DANH, Trưởng phòng Công tác HS, sinh viên Sở GD-ĐT: Thời gian qua, ngành GD-ĐT nói chung đã có nhiều cố gắng trong việc GDĐĐ cho HS, trong đó có HS THCS. Qua đánh giá của chúng tôi, đến nay kỷ cương, nề nếp của các em có nhiều chuyển biến tích cực. Đa số HS chấp hành nghiêm túc các quy định, nội quy nhà trường; có ý thức vượt khó vươn lên, đạt thành tích tốt trong học tập, rèn luyện; có thái độ lễ phép, kính trọng GV, cán bộ và nhân viên trong nhà trường; có tinh thần giúp đỡ bạn; có lòng nhân ái, tình bạn trong sáng, lành mạnh…
H.THÁI