Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Cập nhật: 14-03-2013 | 00:00:00
Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003
và những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19/NQ-TW, ý kiến thảo
luận của đại biểu Quốc hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban
Kinh tế của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi) để tổ chức lấy ý kiến nhân dân. 1. Về quan điểm sửa đổi, Dự thảo Luật Đất đai lần này vẫn
giữ quan điểm theo tinh thần Hiến pháp năm 1992 là đất đai thuộc sở hữu toàn
dân do Nhà nước thống nhất quản lý, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điểm mới
cho phù hợp với đặc điểm tình hình chính trị - kinh tế - xã hội hiện tại. Về bố
cục: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 206 điều (Luật Đất đai
2003 bao gồm 7 chương và 146 điều). 2. Về nội dung, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có
một số điểm mới so với Luật Đất đai năm 2003, sơ lược như sau: a) Bổ sung trường hợp người sử dụng đất là tổ chức kinh tế
liên doanh; b) Thu hẹp đối tượng được giao đất có thu tiền sử dụng đất,
giao đất không thu tiền sử dụng đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức Nhà
nước cho thuê đất; c) Sửa đổi thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho
phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ)
từ thẩm quyền chung của UBND sang thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND. Bổ sung
quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký cấp giấy chứng nhận cho cả hộ gia đình, cá
nhân ở những nơi đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. d) Đối với các dự án đầu tư chậm triển khai dự án trong mười
hai (12) tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn (24) tháng
so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ
được phép chấp thuận cho phép chậm tiến độ một lần và chậm không quá mười hai
(12) tháng. Trường hợp không được chấp thuận cho chậm tiến độ hoặc quá thời hạn
cho phép được chậm tiến độ nêu trên thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và người
có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê
đất đã nộp và thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền
với đất; Ngoài ra, đối với các chủ đầu tư dự án là đối tượng được
giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội; ngoài
quy định phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư như trước đây, dự
thảo lần này quy định chủ đầu tư phải thực hiện ký quỹ thực hiện dự án đầu tư. e) Đổi mới quy định về quản lý quỹ đất đã thu hồi theo hướng
giao trách nhiệm này cho Tổ chức phát triển quỹ đất; f) Bổ sung quy định cụ thể về lập và thực hiện dự án tái định
cư theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện
các dự án tái định cư trước khi thu hồi đất; khu tái định cư tập trung phải xây
dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, phù hợp với tiêu
chuẩn và quy chuẩn xây dựng; g) Quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp của
hộ gia đình, cá nhân (không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ
gia đình, cá nhân); h) Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện
các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đang lấy ý
kiến theo một trong hai hướng: + Hướng thứ 1: Hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của
người sử dụng đất: chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng
QSDĐ, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, chứng thực theo
quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực. Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại QSDĐ, QSDĐ và tài sản gắn
liền với đất, hợp đồng chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp được công chứng, chứng thực
theo nhu cầu của các bên. + Hướng thứ 2: Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản
thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất
được thực hiện theo nhu cầu của các bên. TOÀN THẮNG