Gỡ khó cho ngành gỗ

Cập nhật: 30-03-2016 | 07:10:00

 Đúng như dự báo của các chuyên gia, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, các nhà đầu tư Trung Quốc đã sớm có mặt tại Bình Dương. Trong đó, ngành gỗ đang chịu sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này của Trung Quốc.

 Bước chuẩn bị tích cực cho hội nhập

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), tính đến cuối năm 2015, số hội viên của hiệp hội là 150 thành viên. Về cơ cấu, BIFA kết nạp cả những doanh nghiệp sản xuất gỗ lẫn doanh nghiệp cung cấp máy móc, nguyên liệu, vận tải liên quan tới ngành gỗ. Có thể nói, BIFA đang dần hoàn thiện cơ cấu tổ chức với nhiều hội viên trong tỉnh và ngoài tỉnh và cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, các chương trình xúc tiến thương mại, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất được tổ chức thường xuyên đã mang lại tín hiệu tích cực cho các hội viên của BIFA trong công tác đổi mới phương pháp sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu như “Sáng kiến Việt Nam - Orengon” do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức; họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng lâm sản; tìm hiểu hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu đối với ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ; tham gia Triển lãm hội chợ quốc tế Vietbuild 2015…

BIFA cho rằng cần sớm có hành lang pháp lý để bảo vệ các doanh nghiệp gỗ trong nước. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất gỗ của một doanh nghiệp tại TX.Thuận An. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Bên cạnh đó, BIFA còn tham mưu đề xuất với UBND tỉnh trong việc thành lập khu công nghiệp dành cho ngành gỗ và phụ trợ ngành gỗ tại Khu công nghiệp Tân Lập I. Tính đến thời điểm này, đã có 47 hội viên đăng ký với diện tích 270 ha và chủ trương thành lập khu công nghiệp ngành gỗ cũng đã được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Bước chuẩn bị tích cực của BIFA trước thềm hội nhập ngày càng sâu rộng bước đầu đã cho thấy sự đúng đắn. Cụ thể là nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị tiếp cận trình độ sản xuất của một số nước trong khu vực và tìm đường vươn ra thế giới.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của BIFA lan rộng từ Mỹ sang châu Âu, Nhật Bản và một số nước ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, sự cạnh tranh quyết liệt đã bắt đầu xuất hiện khi các doanh nghiệp Trung Quốc đổ vốn đầu tư vào Bình Dương với tốc độ nhanh và thiếu sự công bằng. Lãnh đạo một doanh nghiệp gỗ tại TX.Thuận An chia sẻ dẫu biết trước làn sóng đầu tư vào ngành gỗ sẽ rót mạnh vào Bình Dương, thủ phủ gỗ của cả nước, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã không lường trước sự khó khăn khi có các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia.

Giúp doanh nghiệp gỡ khó

Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch BIFA, cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc tranh thủ các hiệp định kinh tế chiến lược mà Việt Nam đã ký kết như AEC, TPP để đẩy mạnh vốn đầu tư vào thị trường Bình Dương. Đều đáng nói là những doanh nghiệp này thường thuê mướn người Việt đứng tên pháp nhân để hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã ký kết với bạn bè quốc tế. Theo ông Lộc, số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ lên đến con số hàng chục và dự đoán còn gia tăng nhanh trong thời gian sớm nhất. Nhiều doanh nghiệp trong số này ít đầu tư cơ sở hạ tầng, gây ô nhiễm môi trường; trong khi đó các doanh nghiệp gỗ của Bình Dương đã phải tốn kém rất nhiều chi phí để xây dựng nhà xưởng, hệ thống xử lý chất thải… Ngoài ra, ngành gỗ đang chịu sự quản lý về môi trường của các cơ quan chức năng, làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, một số hội viên cũng đang bị vướng mắc việc hoàn thuế. BIFA mong muốn các cơ quan chức năng sớm có bước nghiên cứu nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian .

Theo ghi nhận, thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành công tác thanh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra cũng được sở thông báo tới các doanh nghiệp cả tháng và theo định kỳ, để các doanh nghiệp đi vào hoạt động nề nếp, hạn chế những tác động xấu đến môi trường.

Ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết vừa qua có trường hợp doanh nghiệp bị chậm trễ hoàn thuế là do đơn vị này hoạt động sản xuất ngành nghề không được cấp phép trên địa bàn TX.Thuận An và hành vi vi phạm này đã bị Chi cục Quản lý thị trường tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định rõ và Cục Thuế ngoài việc phải báo cáo xin ý kiến Tổng cục Thuế, đồng thời phải báo cáo UBND tỉnh cụ thể về trường hợp này theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo kết luận số 74/ TB-UBND ngày 18-4-2013 về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Nội dung Thông báo kết luận có yêu cầu: “… Các trường hợp trái với chủ trương chung của tỉnh thì có báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết cụ thể”. Theo ông Trang, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ theo quy định của pháp luật và đáp ứng các điều kiện về kê khai, khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Tại Đại hội hội viên BIFA nhiệm kỳ 2015-2018 vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết những khó khăn của BIFA sẽ được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tiếp nhận và sớm giải quyết theo thẩm quyền. Trong đó, việc rà soát hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được chú trọng hơn nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho ngành gỗ ngay tại Bình Dương.

 

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=531
Quay lên trên