Hàng hóa tết phong phú, thị trường bình ổn

Cập nhật: 14-01-2023 | 09:34:29

Thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thường tăng cao, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghiệp… Để bình ổn thị trường, bảo đảm tiêu dùng của người dân, UBND TP.Thủ Dầu Một chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành có liên quan, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đẩy mạnh các hoạt động cung ứng, phân phối, kiểm soát và điều tiết giá cả hàng hóa thiết yếu.


Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn bảo đảm cung ứng nguồn hàng đầy đủ. Trong ảnh: Người dân mua sắm tết tại siêu thị Go & BigC Bình Dương

Nhu cầu tăng cao

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhìn chung, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân đã tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm vừa qua đạt trên 253.476 tỷ đồng, tăng 28,81% so cùng kỳ. Chuẩn bị hàng hóa bảo đảm đáp ứng nhu cầu người dân cả số lượng và chất lượng là giải pháp quan trọng giúp ổn định thị trường.

TP.Thủ Dầu Một đã lên kế hoạch, xây dựng phương án cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá. Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết hiện nay các ngành, đơn vị và DN đang vào giai đoạn cao điểm triển khai chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trên địa bàn thành phố có 6 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 15 chợ, 41 cửa hàng tiện lợi, cơ bản đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm trước, trong và sau tết.

Nguồn dự trữ hàng hóa thiết yếu tại TP.Thủ Dầu Một khoảng 786,5 tấn lương thực, 880 tấn thực phẩm chế biến, 115,5 tấn thực phẩm tươi sống với trị giá khoảng 68,2 tỷ đồng. Hàng hóa bình ổn giá là những mặt hàng thiết yếu như đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn, bánh, kẹo, gạo các loại, thịt heo, thịt bò, thực phẩm chế biến sẵn. Thời gian thực hiện bình ổn giá từ đầu tháng 12-2022 đến hết tháng 1-2023.

Theo ông Võ Chí Thành, hiện các hoạt động cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường cũng đang được 14 phường và 7 đơn vị tham gia chương trình bình ổn gồm siêu thị Co.opmart I và II, Aeon - Citimart Bình Dương, BigC & Go, MM.Mega Maket, Công ty Cổ phần thương mại Du lịch Bình Dương, Chi nhánh Công ty TNHH thương mại MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN), Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Chi nhánh Bình Dương... triển khai thực hiện tốt. Qua đó, góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, hạn chế tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến. Giá cả hàng hóa mà các đơn vị tham gia bình ổn thực hiện cũng là cơ sở để các DN ngoài chương trình tham chiếu, định giá bán sản phẩm của mình, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn.

Nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng hóa, đặc biệt là nguồn hàng giá bình ổn cho người dân, ngoài các điểm bán hàng cố định tại siêu thị, năm nay, có 7 đơn vị đăng ký kế hoạch bố trí thêm các điểm bán hàng tạm thời phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tại các phường Phú Cường, Hòa Phú, Hiệp An, Tân An, Định Hòa, Phú Lợi và DN kinh doanh chợ Thủ Dầu Một với tổng số gian hàng được bố trí là 567, tăng 11 gian hàng so với năm 2022. Qua đó, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chất lượng, giá cả phải chăng sẽ được cung ứng đầy đủ đến NTD vào thời điểm sức mua sôi động nhất trong năm.

Giữ ổn định thị trường

Thực tế cho thấy, việc thực hiện triển khai chương trình bình ổn thị trường hàng tết những năm qua đã mang lại tác động tích cực cho thị trường và NTD, nhất là với các đối tượng dân cư có thu nhập thấp. Theo ông Võ Chí Thành, thông lệ sức mua ở tất cả các mặt hàng và lượng hàng hóa cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán đều tăng so với năm trước do nhu cầu tiêu dùng xã hội tăng. Vì vậy, ngoài việc tạo thuận lợi cho DN tham gia chương trình bình ổn, thành phố cũng chủ động thu thập thông tin, nắm bắt tình hình để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 thành phố cũng triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng, các DN kinh doanh chợ, ban quản lý chợ tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra hàng hóa dịch vụ kinh doanh phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, phải thực hiện niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, bảo đảm cung ứng hàng hóa chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, không để xảy ra tình trạng găm hàng, thổi giá trước, trong và sau tết; bảo đảm công tác an ninh trật tự… Tất cả góp phần bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bảo vệ quyền lợi chính đáng NTD.

Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết hiện nay các ngành, đơn vị và DN đang vào giai đoạn cao điểm triển khai chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023 gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trên địa bàn thành phố có 6 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 15 chợ, 41 cửa hàng tiện lợi, cơ bản đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm trước, trong và sau tết.

TRÚC HUỲNH - CHÂU TIẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=319
Quay lên trên