Bất chấp tỉ lệ ủng hộ luôn ở mức cao (hơn 70%), nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tháng 6 vừa qua từng tuyên bố rằng sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ 5. Khi bà không còn giữ chức thủ tướng vào mùa thu tới, sau 16 năm cầm quyền, có thể yên tâm cho rằng một thành viên khác của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ kế nhiệm.
Nhưng ai là người có thể đảm nhận tốt cả 2 vai trò, vừa là người “chèo lái” đất nước, vừa là người dẫn dắt CDU, đảng đã lãnh đạo nước Đức - một quốc gia cộng hòa liên bang 71 tuổi - trong tổng cộng 50 năm.
Còn nhớ 15 năm trước, sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra tháng 11-2005, bà Angela Merkel trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Đức. Khi đó, không một ai có thể ngờ rằng bà sẽ bền bỉ điều hành đất nước và vị chính khách xuất thân từ Đông Đức thực sự chinh phục cử tri. Hào quang của bà sáng chói đến nỗi đang gây trở ngại cho đảng CDU trong việc tìm người kế nhiệm. Cho đến nay, cả 3 nhân vật cạnh tranh vị trí lãnh đạo đảng không phải là những cái tên quen thuộc đối với nước ngoài.
Người đầu tiên là Armin Laschet, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia, một thành viên lâu năm trong đảng, người có sức hấp dẫn chưa tương xứng với năng lực. Tiếp theo là Friedrich Merz, cựu lãnh đạo nhóm nghị sĩ CDU trong Quốc hội, cho đến khi ông bị Merkel loại ra khi bà chuẩn bị cho cuộc chạy đua giành vị trí đứng đầu đất nước.
Bà Angela Merkel tuyên bố “dứt khoát” không ra tranh cử chức thủ tướng nhiệm kỳ 5
Sau khi chuyển sang khu vực tư nhân và kiếm được rất nhiều tiền, ông Merz đang nỗ lực tìm cách quay trở lại. Ứng cử viên thứ ba là Norbert Rottgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Ông đã từng có thời gian ngắn giữ chức Bộ trưởng Môi trường dưới thời bà Merkel cho đến khi bà buộc phải cách chức ông.
Dù không nói ra, song ông Laschet là ứng cử viên được bà Merkel ưa thích hơn, chỉ bởi vì hai người còn lại đều từng có khúc mắc với bà. Do đại dịch COVID-19, chúng ta hiện vẫn chưa biết CDU sẽ chọn nhà lãnh đạo tiếp theo của đảng này khi nào và như thế nào. Tuy nhiên, cho dù CDU tổ chức đại hội đảng trực tuyến hay trực tiếp, trong tháng 12 này CDU sẽ ấn định ngày tổ chức đại hội vào trung tuần tháng 1-2021.
Hiện chưa ai có triển vọng thành công rõ ràng. Ông Merz nhận được 27% sự ủng hộ trong một cuộc thăm dò gần đây nhưng sự ủng hộ dành cho ông đang có xu hướng đi xuống. Tỷ lệ ủng hộ của Rottgen là 16% và đang tăng nhẹ. Ông Laschet theo sau cả hai ứng viên trên và 21% số người được hỏi tích vào ô “Không ai trong số những người nói trên” đã làm tăng thêm sự không chắc chắn.
Một câu hỏi rõ ràng là mỗi ứng cử viên đại diện cho điều gì. Tuy nhiên, không dễ dàng trả lời câu hỏi này trong một hệ thống chính trị trung hữu tẻ nhạt - nhưng có thể là điều may mắn - như của Đức. Cả người Đức cực hữu và cực tả chỉ có thể chiếm khoảng 20% trong các cuộc thăm dò. Hầu hết các cử tri chọn các chính đảng lớn (trên hết là CDU).
Ông Laschet đang vận động tranh cử dựa trên kinh nghiệm của mình với tư cách là thủ hiến của bang đông dân nhất trong số 16 bang của Đức - một lợi thế mà hai ứng cử viên Merz và Rottgen không có. Thông điệp bất thành văn của ông là có thể hiểu là “4 năm nữa của chủ nghĩa Merkel”, nghĩa là không có bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách đối nội hay đối ngoại.
Trong khi đó, ông Merz - người đã bắt đầu chiến dịch của mình bằng việc ủng hộ điều cuối cùng nằm trong danh sách của CDU (chủ nghĩa Đại Tây Dương và kinh tế thị trường tự do) - đã tìm cách cân bằng cẩn thận “nhịp điệu” của mình. Ông Merz cũng không muốn gây ra sự gián đoạn nhưng ông cũng tin rằng Đức đã “chậm lại quá nhiều”. Vì vậy, hãy làm theo cả hai cách.
Rottgen, người trẻ nhất trong 3 ứng cử viên, có vẻ là người táo bạo nhất.
Với tư cách là một chuyên gia chính sách đối ngoại, ông muốn tỏ ra cứng rắn hơn với Nga và Trung Quốc so với 2 ứng cử viên còn lại. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của ông Rottgen, sẽ không có “sự liên tục hoàn toàn, hay một sự gián đoạn” với “kỷ nguyên” của bà Merkel.
Như vậy, sự ổn định sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đua hiện nay ở Đức. Không có phe cánh hữu nào như Marine Le Pen của Pháp hay Matteo Salvini của Italy, cũng không có phe cánh tả cấp tiến nào như cựu lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn của Anh. Trong khi Mỹ và Vương quốc Anh về cơ bản có chính phủ hai đảng thì nước Đức - giống như hầu hết lục địa châu Âu - điều hành đất nước thông qua các liên minh đa đảng vốn không có sự xoay chuyển lớn trong mọi cuộc bầu cử.
Trong mọi trường hợp, bất kỳ ai chiến thắng cuộc đua của CDU vào tháng 1-2021 và trở thành thủ tướng vào tháng 9-2021 sẽ phải cầm quyền song song hoặc thậm chí là trong một nhóm 3 người. CDU và đảng “anh em” Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) có lẽ sẽ giành được khoảng 35% số phiếu bầu. Còn về phe cánh tả, đảng Xanh có thể đạt được khoảng 20% số phiếu, biến họ trở thành đối tác liên minh tự nhiên đối với CDU/CSU.
Sự sắp xếp cân bằng quyền lực này hứa hẹn duy trì được tính liên tục, vốn là điều không thực sự thú vị. Giới truyền thông có thể sẽ sớm tiếc nuối ông Trump, người mà với tất cả những sai sót nghiêm trọng của mình đã giúp ông trở thành nhà lãnh đạo “thú vị” nhất của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, trong những thời điểm khó khăn này - khi dịch COVID-19 chưa bị đánh bại và nền kinh tế vẫn đang tiếp tục đi xuống, chủ nghĩa trung hữu uể oải không phải là điều tồi tệ nhất đối với quốc gia là cường quốc “mỏ neo” của châu Âu.
Ngoài 3 ứng cử viên mà CDU đã công bố, còn có 2 ứng cử viên “ngựa ô” nữa ít được biết đến, những người thay vì đi theo con đường thông thường - đầu tiên trở thành chủ tịch đảng và sau đó trở thành ứng cử viên thủ tướng - lại đang chơi trò chờ đợi. Có thể CDU sẽ cảm thấy nhàm chán với bộ ba Laschet-Merz-Rottgen và muốn một ai đó xuất hiện hằng ngày trước công chúng.
Một là Bộ trưởng Bộ Y tế Jens Spahn, một chính trị gia làm việc chăm chỉ và “nhờ” COVID-19 đã liên tục xuất hiện trong các bản tin. Người còn lại là lãnh đạo CSU Markus Soder, một người có hoài bão cháy bỏng và liên tục tham gia các cuộc phỏng vấn và chương trình trò chuyện.
Nhưng, không ai trong số 5 ứng cử viên này có thể tạo ra một “cuộc nổi dậy” chống lại bà Merkel và di sản của bà. Có thể tự tin dự đoán rằng Thủ tướng Đức tiếp theo sẽ là Merkel mà không có Angela.
Theo CAND