Với ý nghĩa tiếp sức cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, TP.Dĩ An đã huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ vốn và phủ lưới an sinh cho đối tượng này. Hiện thành phố đang áp dụng, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều và không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương.
Con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn TP.Dĩ An được nhận học bổng, giúp các em có điều kiện đến trường
Giúp nắm bắt cơ hội
Chị Trịnh Thị Nga (KP.Nhị Đồng 2, phường Dĩ An) là một trong những phụ nữ điển hình thoát nghèo từ nguồn vốn thoát nghèo của thành phố. Là một công nhân xa quê, cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả, năm 2020 được sự giới thiệu của cán bộ phường Dĩ An, chị Nga mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp với mô hình sữa chua nếp cẩm.
Nắm bắt nhu cầu và phương thức bán hàng qua mạng, đến nay chị Nga đã xây dựng hệ thống mạng lưới bán hàng qua mạng với 5 thành viên. Mỗi ngày chị xuất bán từ 5.000- 7.000 hộp sữa chua các loại, lợi nhuận sau chi phí khoảng 700.000 đồng/ngày.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Dĩ An giải ngân vốn vay tín chấp cho 27 hộ nghèo, 226 hộ thoát nghèo và 368 hộ cận nghèo với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng. |
Cùng với ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo của bản thân, chị Nga còn thành lập Tổ hợp tác sữa chua nếp cẩm, giúp cho 5 chị em khác có việc làm ổn định thông qua việc bán sữa chua qua mạng.
Cũng xuất phát điểm từ nguồn vốn vay thoát nghèo, chị Trần Thị Nga (KP.Tân Phước, phường Tân Bình) đã đi lên từ nghề làm hoa sáp. Vốn yêu thích hoa nên chị Nga tập làm những sản phẩm từ hoa sáp rồi bán cho chị em trong khu phố. Năm 2019 chị Nga quyết định vay vốn ngân hàng để đầu tư làm hoa sáp. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm hoa sáp của chị không chỉ đẹp mà còn lạ nên được nhiều người hỏi mua. Công việc kinh doanh ổn định, đầu năm 2024, chị Nga thành lập Tổ hợp tác làm hoa sáp với 5 thành viên. “Hiện nay, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế nên sức tiêu thụ mặt hàng hoa sáp có phần giảm xuống. Tuy nhiên, tôi và 4 thành viên khác vẫn bảo đảm thu nhập ổn định, mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng/ người”, chị Nga cho biết.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (KP. Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp) cũng vươn lên từ nguồn vốn thoát nghèo. Từ số tiền vốn vay ban đầu 50 triệu đồng, chị Tuyền mở cơ sở sửa xe rồi ngày càng phát triển. Đến nay, chị đã làm chủ 3 cơ sở garage ô tô và tạo việc làm cho 48 lao động với mức thu nhập ổn định. Ngoài việc chi trả lương và các chế độ phụ cấp, chị Tuyền còn hỗ trợ chỗ ở cho nhân viên ở xa, tặng quà cho người lao động vào dịp lễ, tết.
Từ nguồn vốn vay hỗ trợ, chị Trần Thị Nga (KP.Tân Phước, phường Tân Bình) đã ra mắt Tổ hợp tác làm hoa sáp cho thu nhập ổn định
Phủ lưới an sinh
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho rằng vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng trong việc trao “cần câu”, tạo việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững.
Theo ông Phạm Văn Bảy, các nguồn vốn trong chương trình cho vay giải quyết việc làm, vay tín chấp đã góp phần hoàn thành kế hoạch về tạo việc làm, giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố. Đây là điểm tựa vững chắc giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống trong điều kiện cả nước đẩy mạnh phục hồi kinh tế.
Hiện TP.Dĩ An còn 374 hộ nghèo, 133 hộ cận nghèo và 3.960 đối tượng bảo trợ xã hội. Trong 9 tháng năm 2024, thành phố cấp 1.166 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thoát nghèo và hỗ trợ tiền điện cho các hộ từ ngân sách địa phương. |
“Cùng với việc hỗ trợ về vốn, thành phố còn huy động các ngành, đoàn thể, địa phương chung tay phủ lưới an sinh đa chiều cho người nghèo, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiện trên địa bàn thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương”, ông Phạm Văn Bảy cho biết.
Cũng theo lãnh đạo địa phương, qua đánh giá thì điểm nổi bật trong mạng lưới an sinh xã hội đa chiều của TP.Dĩ An dành cho người nghèo là hệ thống các chính sách và việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch. Bằng nhiều cách làm thiết thực, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Dĩ An và các cấp đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” sửa nhà, xây dựng nhà đại đoàn kết và hỗ trợ phương tiện sản xuất, kinh doanh cho người nghèo.
Song song đó, thành phố cũng tiến hành miễn giảm học phí học tập cho 399 con em người nghèo và tiếp nhận thêm 403 hồ sơ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Đặc biệt, với ý nghĩa nâng bước chân học sinh nghèo đến trường, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Dĩ An, Ban vận động Ngày vì người nghèo tỉnh và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Dương đã trao 60 suất học bổng với tổng trị giá 120 triệu đồng cho các em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố.
KIM HÀ