Nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát huy hiệu quả tr ong dịch bệnh Covid-19, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển CNNT giúp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Găng tay HTC (TX.Bến Cát)
Kịp “chuyến tàu”
Trong 5 năm thực hiện (2015- 2020), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã tổ chức triển khai các hoạt động đồng bộ, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Trong năm 2020, sau dịch bệnh Covid-19, trung tâm có nhiều hoạt động hỗ trợ luôn được quan tâm cải thiện theo hướng sâu sát với nhu cầu của DN, đúng ngành nghề, đối tượng thụ hưởng. Đến nay, đa số DN được hỗ trợ phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo nhiều việc làm mới và gia tăng thu nhập cho lao động nông thôn, sản phẩm đầu ra có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định.
Bà Trần Thị Trà, Giám đốc Công ty Cổ phần Găng tay HTC, cho biết là một đơn vị sản xuất, kinh doanh (SXKD) găng tay y tế tại Bình Dương, công ty chuyên nhận sản xuất các loại găng tay cao su y tế dùng trong ngành y tế như nha khoa, y khoa và trong sản xuất thực phẩm, công nghiệp, hóa chất và bảo hộ lao động. Sản phẩm của công ty đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Một số thị trường xuất khẩu của Công ty HTC như Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, các nước châu Âu… Trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước, nhu cầu sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh tăng cao (trong đó có găng tay y tế). Xuất phát từ nhu cầu này, công ty quyết định đầu tư thêm thiết bị và máy móc mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nhằm đẩy mạnh năng lực sản xuất, bảo đảm nguồn cung găng tay y tế, đáp ứng các đơn hàng của công ty đã ký kết và bảo đảm nguồn cung cho phòng, chống dịch bệnh trong nước theo đề nghị của Bộ Y tế. Và nguồn vốn khuyến công địa phương như tiếp thêm nguồn lực để công ty cung ứng những vật tư y tế cho thị trường, đáp ứng nhu cầu sử dụng găng tay y tế ngày càng nhiều.
Trên tinh thần khẩn trương như vậy nên sau khi đầu tư, công ty mở rộng hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước hiện nay. “Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và nhiều lần gia tăng mạnh, thị trường thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh “nóng” hơn bao giờ hết. Khắp các địa phương trong cả nước, các châu lục nhu cầu các mặt hàng này tăng cao và luôn trong tình trạng khan hiếm, thậm chí “cháy hàng”. Nhằm đáp ứng nguồn cung khi cầu trên thị trường tăng cao kỷ lục, thiết bị, máy móc mới đã giúp tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và giá cả ổn định”, bà Trà cho biết.
Khi đầu tư thiết bị, máy móc mới sẽ tăng thêm năng lực sản xuất, đáp ứng được thêm 30% năng suất. Từ đó đáp ứng thời gian giao hàng của các đơn hàng nhưng vẫn bảo đảm giá cả và chất lượng theo quy định. Đồng thời bảo đảm cung cấp ổn định nhu cầu sử dụng găng tay y tế trong nước trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Máy móc, thiết bị đầu tư sản xuất mới 100% hoàn toàn tự động nên chất lượng và độ an toàn của sản phẩm găng tay y tế được bảo đảm tuyệt đối.
Cũng động lực từ nguồn vốn khuyến công, Công ty TNHH Vị Hảo quyết định đầu tư vào máy móc thiết bị mới, tuy chi phí ban đầu khá cao nhưng mang lại hiệu quả khả quan, dễ dàng thu hồi vốn trong thời gian ngắn vì tiết kiệm được thời gian kiểm tra thành phần kim loại, từ đó tiết kiệm được chi phí sản xuất, tránh lãng phí, gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đầu tư máy móc thiết bị mới 100% nhằm tăng năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm... Để sản phẩm của công ty ngày càng đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là vẻ đẹp, mẫu mã, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả có thể cạnh tranh thì việc đầu tư máy móc thiết bị trên là nhu cầu cấp thiết của công ty hiện nay.
Đại diện công ty cho biết, do trong dịch bệnh nên đa số các thị trường, các người dân đều ở nhà nên nhu cầu chế biến thực phẩm cũng tăng cao. Và sản phẩm tương ớt của Vị Hảo góp phần rất quan trọng để nêm nếm, định vị món ăn hiệu quả và làm gia tăng hương vị, kích thích tiêu hóa, làm cho màu sắc món ăn sinh động, hấp dẫn người thưởng thức… Thực sự sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công rất kịp thời giúp công ty mở rộng thị trường trong điều kiện nhiều cơ hội cho ngành chế biến thực phẩm.
Tạo bước chuyển biến
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của ngành công thương, sự nỗ lực của trung tâm, công tác hỗ trợ DN từ nguồn vốn khuyến công năm 2020 đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho DN. Để có được kết quả trên, còn có sự nhận thức từ DN về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công với phát triển CNNT thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều DN sẵn sàng tiếp cận và thụ hưởng các chính sách để mở rộng quy mô SXKD. Thời gian tới, trung tâm nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm phục vụ phát triển DN tốt hơn. Bởi DN CNNT đa phần nhỏ và siêu nhỏ, nên khả năng hình thành DN đầu mối thu gom và phân phối rất ít, thị trường đầu ra hạn chế, các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phần lớn gia công cho các DN đầu mối ngoài tỉnh, chưa có thị trường xuất khẩu ổn định, phần lớn tiêu thụ qua khâu trung gian, dẫn đến lợi nhuận thấp, khả năng tích lũy vốn phục vụ tái đầu tư hạn chế...
Theo đánh giá của các DN, kinh phí hỗ trợ từ chính sách khuyến công đối với ngành nghề sản xuất của các công ty là hết sức cần thiết giúp công ty mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, giúp phát triển vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở CNNT đổi mới máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến, giúp cơ sở có thêm điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Việc tăng năng suất SXKD sẽ tăng nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và từ đó công ty bảo đảm đóng góp cho xã hội, cộng đồng; giải quyết công ăn việc làm và bảo đảm chế độ tiền lương, ổn định đời sống cho người lao động. Với tình hình sản xuất hiện tại, kèm theo các đơn hàng tiềm năng và khả năng hoạt động sản xuất đáp ứng yêu cầu khách hàng của công ty, các DN được hỗ trợ đều cho biết sau khi hoàn thành dự án đầu tư thì thời gian thu hồi vốn đầu tư là 12 - 24 tháng.
Thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường phát huy những mặt làm được, cũng như rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ 2015-2020; hỗ trợ bảo đảm đúng ngành nghề, đúng đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông để phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển công nghiệp, thương mại, hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để DN nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác; hỗ trợ cho DN phát triển thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Tổ chức và tham gia các cuộc hội chợ, phiên chợ nhằm quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm của tỉnh.
TIỂU MY