So với người Kinh, một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở Bình Dương có trình độ dân trí thấp, việc tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế nên nhận thức về pháp luật chưa cao. Để giúp ĐBDTTS nâng cao kiến thức, nhận thức pháp luật, những năm qua, Văn phòng UBND tỉnh - Cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh và Sở Tư pháp đã có sự phối hợp, thường xuyên triển khai, phổ biến các văn bản luật mới đến bà con, qua đó giúp đồng bào ngày càng chấp hành tốt pháp luật, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Hội nghị phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình cho ĐBDTTS ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo. Ảnh: THANH PHONG
Xác định nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, trong đó có ĐBDTTS là nhiệm vụ hàng đầu, những năm qua Văn phòng UBND tỉnh - cơ quan được giao quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo Nghị định số 53/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Sở Tư pháp đã xây dựng, ký kết chương trình phối hợp, thường xuyên phổ biến các văn bản luật đến ĐBDTTS. Hàng năm, các nội dung của chương trình phối hợp đã được các phòng, ban chuyên môn của 2 đơn vị cụ thể hóa, đưa kiến thức pháp luật đến với ĐBDTTS, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Có thể nói, việc phổ biến pháp luật cho ĐBDTTS thời gian qua được tiến hành rất bài bản, chặt chẽ và khoa học. Để có cơ sở phổ biến pháp luật cho bà con, Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức các đợt khảo sát nhu cầu phổ biến pháp luật, qua đó xác định những mong muốn của bà con đối với từng văn bản luật, từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp.
Phần lớn ĐBDTTS, trình độ dân trí chưa cao nên ngành tư pháp tỉnh đã chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu; đồng thời cử cán bộ tuyên truyền giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, có kỹ năng truyền đạt tốt để phổ biến pháp luật cho bà con. Trong quá trình tuyên truyền có sử dụng máy chiếu để minh họa những hình ảnh, tư liệu giúp học viên dễ hiểu, dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cũng được tổ chức theo hướng động, có sự tương tác giữa báo cáo viên và học viên để làm sáng tỏ những vấn đề mà học viên còn thắc mắc, chưa rõ.
Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh, 4 năm qua, văn phòng đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai hơn 31 lớp phổ biến kiến thức pháp luật với hơn 1.800 người ĐBDTTS tham gia học tập. Các văn bản luật được triển khai đến bà con là những văn bản liên quan sát sườn đến với cuộc sống của bà con như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Hộ tịch, Luật Giao thông đường bộ…
Nội dung tuyên truyền phù hợp, hữu ích cộng với cách truyền đạt hấp dẫn, sinh động của báo cáo viên nên đã thu hút đông đảo đồng bào tham gia các lớp phổ biến pháp luật. Mặc dù phải vất vả lao động mưu sinh hàng ngày nhưng khi nghe có lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật là đồng bào có mặt đông đủ, chật kín cả hội trường. Theo thống kê, bình quân mỗi lớp tuyên truyền có từ 60 - 80 người tham gia, cá biệt có lớp lên đến cả trăm người. Điều đó cho thấy nhu cầu, sự quan tâm rất lớn của bà con đối với việc tiếp thu kiến thức pháp luật.
Chị Thạch Thị Ngọc, người dân tộc Khơ-me ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng cho biết: “Mỗi khi địa phương có tổ chức lớp phổ biến pháp luật là tôi tham gia đầy đủ. Các kiến thức pháp luật tiếp thu được qua lớp học, tôi về áp dụng trong thực tế; đồng thời tuyên truyền, vận động mọi người trong thôn, ấp cùng thực hiện sống và làm việc theo pháp luật”.
Theo báo cáo, thời gian gần đây, người dân vùng sâu, vùng xa, ĐBDTTS ở Bình Dương phạm pháp, vi phạm pháp luật giảm đáng kể. Điều này có phần đóng góp rất lớn của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Từ hiệu quả của công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật trong thời gian qua, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ để mọi người dân, trong đó có ĐBDTTS ngày càng nâng cao kiến thức, nhận thức về pháp luật, thực hiện sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
THANH PHONG (Văn phòng UBND tỉnh)