Bình Dương là địa phương có số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ nhiều nhất cả nước, chiếm đến 50% kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước mỗi năm. TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên là địa bàn có nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn nhờ thuận lợi về giao thông, hạ tầng… Công tác bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (PCCC) cho doanh nghiệp ở các địa phương này luôn được Phòng Cảnh sát PC&CC số 5, Cảnh sát PC&CC tỉnh quan tâm, tham mưu cho lãnh đạo địa phương đề ra các giải pháp an toàn về PCCC.
Lấy phòng ngừa là chính
Cơ quan Cảnh sát PC&CC luôn xác định khi cháy nổ xảy ra sẽ gây thiệt hại không lường về con người và tải sản, nhất là tại những nơi tập trung đông người, phương tiện, vật chất, hóa chất dễ cháy như chợ, trung tâm thương mại, nhà hát, xưởng sản xuất. Đặc biệt, tại các cơ sở, xưởng sản xuất, chế biến đồ gỗ, nơi tập trung nhiều lao động với máy móc thiết bị tiêu thụ điện năng cao, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất là những chất dễ cháy nổ.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 kiểm tra thiết bị chữa cháy tại một doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn TX.Tân Uyên. Ảnh: DUY CHÍ
Thực tế cũng cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp, dù đã làm tốt công tác an toàn PCCC trong quá trình sản xuất nhưng vẫn xảy ra cháy và thường phát cháy vào cuối buổi sản xuất hoặc khi nhà máy đã ngưng hoạt động. Nguyên nhân là do máy móc làm việc quá công suất, không được quan tâm làm vệ sinh, bảo dưỡng đúng quy định gây ma sát sinh nhiệt dẫn đến cháy. Riêng với ngành chế biến gỗ, các nhà máy thường có bồn chứa mùn, dâm bào đặt phía sau để thu gom phế phẩm sản xuất từ các bộ phận về một chỗ bằng đường ống hút khép kín. Lẫn lộn trong phế phẩm thường có đá, kim loại, keo…, quá trình di chuyển trong đường ống với tốc độ cao kéo dài, các vật thể rắn bị va chạm ma sát mạnh vào thành ống cũng bằng kim loại nên sinh nhiệt, phát sinh tia lửa. Khi gặp hóa chất, keo và chất dễ cháy tiếp xúc sẽ phát cháy. Đám cháy phát sinh tại những nơi này thường ngấm ngầm kéo dài và khi bùng phát thì cháy dữ dội, với nhiệt lượng tỏa ra rất lớn.
Để dập tắt và phát hiện kịp thời từ khi vụ cháy mới phát sinh, Cảnh sát PC&CC đã khuyến cáo, hướng dẫn các doanh nghiệp lắp đặt thêm thiết bị báo nhiệt, báo khói, báo cháy và chữa cháy tự động tại những nơi này nhằm kịp thời dập tắt từ khi đám cháy mới phát sinh.
Cùng với việc phân công cán bộ phụ trách hướng dẫn doanh nghiệp theo địa bàn quản lý, Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 còn tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương mở các lớp huấn luyện an toàn về PCCC nhằm nâng cao nhận thức, năng lực nghiệp vụ về an toàn PCCC từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Qua đó cho thấy vai trò, nhận thức của người đứng đầu đơn vị về công tác an toàn PCCC là rất quan trọng để có giải pháp phòng ngừa. Cụ thể là trang bị phương tiện, thiết bị PCCC phù hợp; xây dựng và huấn luyện lực lượng PCCC cơ sở với kiến thức, thiết bị phù hợp, sẵn sàng dập tắt các đám cháy từ khi mới phát sinh.
Hàng năm, Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 đều tham mưu UBND các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên mở các lớp tập huấn an toàn PCCC với nội dung phong phú, sát thực tế, chú ý đến công tác phối hợp giữa nhiều đơn vị cùng ngành, cùng địa bàn. Đơn vị còn tổ chức cho chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC địa bàn phụ trách nhằm nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực an toàn PCCC đã được luật pháp quy định.
Xử lý hiệu quả cháy nổ khi mới phát sinh
Những năm gần đây, số vụ cháy liên quan đến doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 phụ trách gồm các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên nói riêng giảm dần. Có được kết quả này là nhờ đơn vị đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; cùng với đó tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; chú trọng tổ chức, xây dựng lực lượng PCCC cơ sở và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở. Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 cũng thực hiện nghiêm chỉnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về PCCC; tổ chức xây dựng, thực tập phương án chữa cháy theo đúng quy định; đồng thời hướng dẫn trang bị, bảo quản, sử dụng phương tiện về PCCC. Đơn vị còn xây dựng, tổ chức lực lượng cảnh sát PCCC thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PCCC; xây dựng mô hình cơ sở gia công chế biến gỗ an toàn về PCCC.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, Phòng Cảnh sát PC&CC số 5 đã thành lập được Cụm doanh nghiệp an toàn về PCCC trong Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Hàng năm, đơn vị đều cử các đội PCCC cơ sở tiêu biểu tham gia hội thao nghiệp vụ PCCC do Cảnh sát PC&CC tỉnh tổ chức. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ thuộc địa bàn đơn vị quản lý đã từng bước xây dựng đội PCCC cơ sở, được trang bị trang thiết bị PCCC phù hợp; hàng năm đều xây dựng phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và phối hợp diễn tập phương án chữa cháy - cứu nạn cứu hộ theo cam kết bảo đảm an toàn PCCC với Cảnh sát PC&CC.
Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sao Nam (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) cho biết, an toàn PCCC là yêu cầu rất quan trọng đối với sức khỏe, tính mạng người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp. Để làm tốt công tác này thì vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp là rất quan trọng. Theo đó, chủ doanh nghiệp phải luôn xem công tác PCCC là trách nhiệm của mình, để từ đó hướng dẫn, chỉ đạo các bộ phận và mọi người trong doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Vấn đề đầu tư cho an toàn PCCC cũng khá lớn nên doanh nghiệp cần có sự tư vấn, hướng dẫn của các nhà chuyên môn để vận dụng kết hợp trong sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng nằm giảm suất đầu tư, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Làm tốt công tác PCCC vừa bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp mình, vừa tạo niềm tin cho đối tác, khách hàng trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đại tá LÊ ANH VIỆT, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh: Để phòng cháy tốt thì tuyên truyền phải giỏi
Đối với cháy nổ, nếu xảy ra thì thiệt hại, hậu quả không thể lường trước, nên chỉ có phòng ngừa là giải pháp tốt nhất, an toàn nhất. Để phòng ngừa tốt thì việc làm trước tiên là phải tuyên truyền, hướng dẫn. Đây là yêu cầu quan trọng được thực hiện thường xuyên, phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề.
Từ khi thành lập Cảnh sát PC&CC tỉnh đến nay, do yêu cầu nhiệm vụ quan trọng, chúng ta đã tập trung nhiều vào nhiệm vụ chuyên môn mà ít quan tâm, đi sâu vào nội dung công tác tuyên truyền. Muốn tuyên truyền đạt hiệu quả thì người cán bộ tuyên truyền phải có hiểu biết tốt về PCCC và phải có kiến thức xã hội, nghệ thuật tiếp cận và xử lý thông tin trong nghiệp vụ tuyên truyền. Người cán bộ tuyên truyền muốn làm tốt nhiệm vụ của mình trước tiên phải nắm bắt cho được tâm lý, sở thích, nhu cầu của đối tượng cần tuyên truyền để có sự chuẩn bị tốt nội dung, dẫn chứng hợp lý để thu hút sự quan tâm, từ đó dẫn đến mục đích, kết luận ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu. Ví dụ, tuyên truyền cho sinh viên, chúng ta phải đặt mình vào trong cộng đồng sinh viên để biết các bạn thích gì, cần gì để chuẩn bị nội dung phù hợp. Với tiểu thương, người tuyên truyền cũng phải tìm hiểu kỹ tâm tư, tình cảm… để chọn người phù hợp nhằm truyền tải thông điệp tuyên truyền đạt yêu cầu, hiệu quả.
DUY CHÍ