Ngày họp mặt kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 của tỉnh vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh có lẽ là ngày mẹ Nguyễn Thị Sửa (SN 1930), xã Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên vui, hạnh phúc nhất khi được phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt này. Danh hiệu ấy là niềm tự hào của cả gia đình mẹ khi những hy sinh của ông, chồng, cha, bác trong kháng chiến được ghi nhận.
Anh Nguyễn Thành Nguyên, con trai mẹ kể với chúng tôi, khi được cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Tân Uyên đến lấy thông tin để đề nghị phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ, mẹ vui lắm! Rồi cái ngày mẹ mong đợi cũng đã đến khi nhận được tin mẹ được trao tặng danh hiệu cao quý tại buổi họp mặt của tỉnh. Hôm đó, mẹ dậy thật sớm, nhờ con cháu chuẩn bị chu đáo, mặc thật đẹp để đi nhận danh hiệu. Có lẽ giây phút tên mẹ được trân trọng xướng lên là lúc mẹ hạnh phúc nhất. Mẹ nở nụ cười hiền hậu và nắm tay con cháu bước lên sân khấu. Trong ánh mắt, nụ cười hạnh phúc đó có mấy ai biết được mẹ đã từng tiễn chồng, con vào chiến trường, rồi nuốt nước mắt vào trong khi 1 năm 2 người đàn ông mẹ yêu thương mãi mãi ra đi.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ Nguyễn Thị Sửa
Mẹ kể trong niềm tự hào, chồng mẹ là ông Quách Thành Lợi, tham gia kháng chiến khi còn là thanh niên. Mẹ cũng là cô du kích trong chiến trường. Hai người quen nhau và đi đến hôn nhân. Là người dân Tân Uyên nhưng ông được điều động về làm Huyện đội trưởng Thuận An. Xa xôi, cách trở nhưng ông luôn dành cho gia đình những khoảng thời gian nhất định và những lời động viên. Tự hào về người chồng dũng cảm bao nhiêu, mẹ càng hãnh diện bấy nhiêu khi nói về người con trai đầu là anh Quách Thành Tâm. Mẹ tâm sự, thằng Tâm sinh năm 1949, mới có 12 tuổi nó đã theo ba vào chiến trường. Thấy con quyết tâm ra đi để bảo vệ Tổ quốc, mẹ không ngăn cản mà động viên con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chồng, con trai tham gia kháng chiến, mẹ ở nhà làm hậu phương vững chắc và nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, chăm sóc con cái.
Năm 1968, chiến tranh khốc liệt nên lâu lắm chồng mẹ không về thăm vợ con. Mẹ lo lắng đứng ngồi không yên. Mẹ cầu mong đất nước nhanh giải phóng để vợ chồng, con cái được đoàn tụ. Thế nhưng niềm tin ấy bỗng bị dập tắt khi mẹ nhận tin chồng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại xã Bình Thung (Dĩ An) vào tháng 4-1968. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, 6 tháng sau (tháng 10- 1968), mẹ nhận thêm tin con trai hy sinh không tìm thấy hài cốt. Hai nỗi đau trong 1 năm, sự mất mát quá lớn đối với người phụ nữ. Nhưng nó đã không thể làm mẹ gục ngã. Mẹ đã biến nỗi đau ấy thành sức mạnh, thành động lực để nuôi dạy con cái lớn khôn trưởng thành và tiếp tục cống hiến cho cách mạng.
Giờ đây, mẹ đang sống với con trai và các cháu tại xã Tân Vĩnh Hiệp. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, con cháu mẹ đều nỗ lực học tập, trở thành những công dân tốt cho xã hội. Gia đình mẹ là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Mẹ nói, bao năm tháng qua đi, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng mỗi đêm trái gió trở trời không ngủ được, hình bóng chồng, con lại hiện về trong tâm trí mẹ. Mẹ tự an ủi mình, chiến tranh là thế, sự hy sinh của người thân yêu đã đóng góp cho hòa bình, cuộc sống ấm no hôm nay.
Đợt này, Bình Dương có 2 mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu 1 mẹ đã mất. Tỉnh đề nghị địa phương xem xét làm lễ truy tặng danh hiệu cho gia đình mẹ. Còn mẹ Nguyễn Thị Sửa được trao tặng tại buổi họp mặt kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 vào ngày 25-8.
THIÊN LÝ