Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước đã mang lại hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, nhất là trong xử lý hồ sơ hành chính, quản lý thuế, kho bạc, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp... Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên tất cả các lĩnh vực đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Việc triển khai các phần mềm ứng dụng đã giúp cán bộ “một cửa” cấp tỉnh giải quyết và xử lý nhanh chóng hồ sơ của người dân, doanh nghiệp trên môi trường mạng
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Cụ thể trong năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) hiệu quả hơn. Tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 323 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Trang thông tin hành chính công của tỉnh. Số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 đã đạt con số 2.042 hồ sơ. Trong đó, nhiều thủ tục được người dân, doanh nghiệp quan tâm đăng ký trực tuyến là cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc Sở Tư pháp, đăng ký thành lập doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh, hệ thống phần cứng, phần mềm được triển khai đưa vào sử dụng phục vụ hoạt động giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp đã phát huy được nhiều hiệu quả tích cực. Cơ sở dữ liệu về TTHC, quy trình giải quyết, cán bộ, công chức phụ trách từng quy trình được hình thành và thường xuyên được cập nhật, thay đổi nhanh chóng, kịp thời nhằm bảo đảm quá trình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, hiệu quả, công khai, minh bạch. Phần mềm một cửa cấp tỉnh đã được sử dụng thống nhất và đồng bộ tại các sở và được tích hợp quy trình ISO trong giải quyết TTHC, quy trình ISO giúp người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, lãnh đạo sở theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Từ phần mềm, thông tin về tình trạng giải quyết TTHC luôn được cập nhật liên tục và hiển thị thông qua hệ thống màn hình được trang bị tại tầng 16, UBND tỉnh và tại Trung tâm Hành chính công để lãnh đạo tỉnh có thể theo dõi, chỉ đạo việc thụ lý giải quyết TTHC. Đồng thời, người dân cũng có thể giám sát được tình hình giải quyết TTHC của các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Từ đó, toàn bộ kết quả giải quyết TTHC của từng ngành đều được giám sát, công khai. Ngoài các phần mềm phục vụ công tác tiếp nhận, luân chuyển, xử lý và trả kết quả còn có các phần mềm tiện ích khác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiệu quả như: Trang thông tin hành chính công cung cấp 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã của tỉnh. Ngoài ra, tại Trang thông tin hành chính công còn hỗ trợ thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tiện ích tra cứu tình trạng hồ sơ và đăng ký nhận kết quả giải quyết tại nhà qua dịch vụ bưu chính; công khai kết quả giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành.
Tại Trung tâm Hành chính công, việc tra cứu TTHC của cá nhân, tổ chức được nhanh chóng, chính xác, hiệu quả nhờ phần mềm tra cứu TTHC được xây dựng, thiết kế đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó là phần mềm đánh giá cán bộ, công chức được xây dựng trên cơ sở phù hợp với nội dung, yêu cầu trong thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước do Bộ Nội vụ ban hành, bảo đảm đến năm 2020 tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt 80% trở lên. Phần mềm đánh giá được thiết kế, cài đặt trước các máy tính bảng ở mỗi quầy giao dịch của các sở, ban, ngành để sau khi giao dịch TTHC người dân, tổ chức có thể tham gia đánh giá mức độ hài lòng đối với công chức tiếp nhận TTHC. Hiện nay, phần mềm đánh giá cán bộ, công chức được được triển khai thí điểm tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hiện đại của 9 huyện, thị xã, thành phố.
Hiệu quả từ việc ứng dụng CNTT không chỉ tạo ra sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp mà còn làm lợi chi phí bưu chính, tiết kiệm hàng trăm tấn giấy mỗi tháng cho các cơ quan Nhà nước. Con số luân chuyển 534.749 văn bản điện tử trong năm 2017 trên phần mềm văn bản đã cho thấy điều đó. Tại nhiều sở, ngành, việc ứng dụng CNTT đã trở thành việc làm hàng ngày. Nhiều văn phòng trở thành văn phòng điện tử như Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Sở Công thương...
Trong khi đó ở cấp huyện, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một là các địa phương đi đầu trong ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức công khai thủ tục, đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử.
Phát huy kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm 2018, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện phần mềm một cửa điện tử, trang thông tin hành chính công và phần mềm đánh giá cán bộ, công chức bảo đảm kết nối liên thông 3 cấp và liên thông bộ ngành, ngành dọc và liên thông ngang cùng cấp. Cùng với đó là mở thêm nhiều lớp tập huấn sử dụng chứng thư số cho cán bộ, công chức; tiếp tục thực hiện liên thông, thực hiện cung cấp dịch vụ công trên môi trường mạng mức độ 3, mức độ 4 và việc thực hiện các phần mềm ứng dụng CNTT, kết nối liên thông điện tử và các tiện ích như: Thu phí qua mạng, nhận hồ sơ qua bưu chính và việc cung cấp các phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động, tiện ích mạng xã hội để tạo thêm kênh kết nối, công khai và tuyên truyền cho người dân sử dụng hiệu quả những tiên ích từ việc đẩy mạnh CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan cụ thể đến TTHC, Phòng Kiểm soát TTHC - Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát TTHC; ĐT: 0274.3835029; địa chỉ email: kiemsoat.tthc@binhduong.gov.vn
SÔNG TRÀ