Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số

Cập nhật: 26-08-2022 | 08:26:50

Trước sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số (CĐS) đang dần trở thành xu hướng tất yếu và cần thiết hơn bao giờ hết. Cùng với việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bình Dương đang đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tiếp cận, nâng cao nhận thức và đẩy nhanh việc CĐS.

Kỳ 1: Tạo thuận lợi tiếp cận chuyển đổi số

Hội thảo chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được tổ chức tại Bình Dương

Từ những chính sách kịp thời

CĐS là sự thay đổi tích cực, toàn diện từ chính quyền, đến từng DN, từng tổ chức và người dân trong mọi lĩnh vực. Cụ thể, Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới và xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ- TTg, ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định CĐS là “chìa khóa” để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

UBND tỉnh vừa tổ chức hội thảo “CĐS cho DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Dương góc nhìn người triển khai”. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Thông qua chương trình hội thảo, UBND tỉnh mong muốn DN tiếp cận được những lợi ích tích cực của việc CĐS, đồng thời xác định được DN mình đang ở giai đoạn nào của CĐS để có cơ sở xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS phù hợp, tạo nền tảng cho DN phát triển, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, giúp tiết kiệm chi phí vận hành DN”.

Năm 2021 là một năm đầy biến động đối với Việt Nam và thế giới vì những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Nếu ví đại dịch Covid-19 vừa qua như một cơn bão lớn thì DN nhỏ và vừa chính là những cây nhỏ bị tấn công đầu tiên. Trong bối cảnh đó, CĐS được coi là phương thức thích ứng mới, giúp cho DN nhỏ và vừa từ sống sót đến đâm chồi nảy lộc. Do đó, đây được coi là thời điểm chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS phát huy vai trò của mình.

Với vai trò quan trọng của CĐS đối với DN, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị Quyết số 05- NQ/TU ngày 19-5-2022 về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng là việc phát triển DN công nghệ số và chuyển đổi các DN truyền thống thành DN số, đẩy mạnh CĐS DN dựa trên nền tảng số, hệ sinh thái DN số trong các ngành, lĩnh vực.

Hỗ trợ, thúc đẩy tiếp cận

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có trên 57.000 DN (đứng thứ 3 cả nước), trong đó số DN nhỏ và vừa chiếm hơn 97%. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ thị trường, xã hội. Do vậy, nhằm hạn chế số lượng DN rút lui khỏi thị trường, thích ứng với tình hình mới, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần đẩy mạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là hỗ trợ, thúc đẩy DN tiếp cận, nâng cao nhận thức và đẩy nhanh việc CĐS.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VNTT Bình Dương, Giám đốc Công nghệ thông tin Becamex IDC, một trong những tồn tại hiện các DN vừa và nhỏ đang gặp phải đó là thiếu vai trò của lãnh đạo số. Cụ thể, thiếu người đứng trong hoặc gần Hội đồng quản trị và Ban giám đốc, người chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, kế hoạch thực thi và xây dựng đội ngũ nhân lực triển khai. Người đóng vai trò là kiến trúc sư trưởng, là đôi mắt, đôi tai và khối óc của ban lãnh đạo trong lĩnh vực số. Bên cạnh đó là xác định mục tiêu chưa phù hợp. Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, các DN vừa và nhỏ không có cách tiếp cận đúng trong việc xây dựng và đánh giá tổng thể bài toán CĐS, không phân biệt được tối ưu hóa số và CĐS, hoặc xác định mục tiêu không rõ ràng và lựa chọn công nghệ không phù hợp. Ngoài ra, các DN chưa có chiến thuật triển khai hợp lý. Như lựa chọn chiến thuật triển khai không hợp lý, thiếu đánh giá tổng thể, thiếu uyển chuyển trong việc lựa chọn cách tiếp cận triển khai, không có chiến thắng nhanh.

Đưa ra hướng tiếp cận cho các DN vừa và nhỏ, theo ông Phạm Tuấn Anh, DN cần đánh giá hiện trạng của công tác sản xuất - xác định vấn đề tồn tại; xác định mục tiêu cụ thể dựa trên công tác quản lý sản xuất - QCDSE; xây dựng các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu cụ thể; tính toán giải pháp tỷ suất đầu tư và hiệu quả đầu tư; kiện toàn nhân lực và tái cấu trúc nhân lực; triển khai dự án, đánh giá hiệu quả tác động.

Theo TS.Văn Ngọc An, chuyên gia chương trình hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, các DN vừa và nhỏ muốn CĐS cần xác định mục tiêu và có chiến lược, trong đó xây dựng chiến lược CĐS tích hợp vào chiến lược chung của DN dựa trên đánh giá mức độ sẵn sàng và mục tiêu của DN. Triển khai thực hiện CĐS mô hình kinh doanh, các DN cần áp dụng công nghệ số (CNS) để mở rộng hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc khách hàng. Từng bước triển khai CNS cho chuỗi cung ứng, áp dụng CNS cho nghiệp vụ kế toán, tài chính, xây dựng khung cơ sở dữ liệu chung về kinh doanh, xây dựng chính sách bảo mật kinh doanh, dữ liệu. Bước tiếp theo, DN cần hoàn thiện và CĐS mô hình quản trị (báo gồm quy trình sản xuất, quy trình công nghệ); kết nối kinh doanh và quản trị, đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. (Còn tiếp)

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Ngay đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành chương trình hỗ trợ DN CĐS. Giai đoạn 2021-2025 đạt mục tiêu có 100% DN sẽ được nâng cao nhận thức về CĐS; hơn 100.000 DN sẽ được tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật chương trình để có thể thực hiện quá trình CĐS; có thể tạo ra được 100 bài học DN thành công trong CĐS. Hiện tại, ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, Cục Phát triển DN đã chủ động phối hợp, huy động các nguồn lực từ các cơ quan phát triển quốc tế để triển khai thực hiện chương trình này. Cục đã triển khai thực hiện các hoạt động như đào tạo, tư vấn giúp DN có lộ trình số phù hợp. Song song đó cục sẽ có bước tiếp theo chia sẻ chi phí, hỗ trợ DN để triển khai, áp dụng các công nghệ số trong DN của mình. Bình Dương là nơi tổ chức hội thảo đầu tiên trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của chương trình theo kế hoạch của bộ, nhằm giúp cho cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh từng bước ứng dụng và thực hiện quá trình CĐS hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững trong thời gian tới”.

PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=315
Quay lên trên