Mặc dù dịch bệnh kéo dài gây nhiều khó khăn, song chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân trong tỉnh vẫn luôn nỗ lực giữ vững sự phát triển kinh tế, tiếp tục thu hút đầu tư, tạo sự ổn định và bứt phá, đón đầu cơ hội.
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực vượt khó, ổn định sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất gạch không nung Con Voi của Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương
Quay về quỹ đạo tăng trưởng
Theo ghi nhận, đến tháng 10-2020, kinh tế của tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi, chuyển biến tích cực, nhiều DN bắt đầu tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nỗ lực khôi phục sản xuất. Bình Dương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra sản phẩm có thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Đến nay, sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực, thị trường xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi, DN có lượng đơn hàng tăng dần và tập trung sản xuất phục vụ cuối năm. Lũy kế 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,77% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 208.123 tỷ đồng, tăng 11,7%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,19% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu lũy kế 10 tháng đạt 22,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 6,8%, kim ngạch nhập khẩu đạt 17,58 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,7%.
Lũy kế 10 tháng, Bình Dương đã thu hút 59.493 tỷ đồng đầu tư trong nước (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và gần 1,7 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, đáng chú ý dù trong dịch bệnh tỉnh đã thu hút 108 dự án đầu tư mới (590 triệu đô la Mỹ), 72 dự án điều chỉnh tăng vốn (306 triệu đô la Mỹ) và 367 dự án góp vốn (776 triệu đô la Mỹ). Thu hút đầu tư nước ngoài vượt 19% kế hoạch năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có 3.909 dự án với tổng vốn 35,2 tỷ đô la Mỹ.
Để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm tiếp tục giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp, Bình Dương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Về định hướng phát triển, ông Nguyễn Hoàng Thao khẳng định Bình Dương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao tương xứng với phát triển công nghiệp và đô thị…
Nỗ lực đầu tư hạ tầng
Từ thế mạnh phát triển công nghiệp, là vùng sản xuất của cả nước, tỉnh đang chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, kết hợp giữa phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ chất lượng cao trong hành trình xây dựng thành phố thông minh. Với những khát vọng lớn, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Bình Dương cũng đang tích cực chuẩn bị cho sự phát triển các khu công nghiệp đã được quy hoạch, khu công nghiệp khoa học - công nghệ đầu tiên, gắn với việc hình thành vùng đổi mới sáng tạo, vùng thông minh Bình Dương.
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, logistics đáp ứng yêu cầu phát triển của DN. Các tuyến giao thông đường bộ của Bình Dương cần được nâng cấp, mở rộng để kết nối tốt hơn với TP.Hồ Chí Minh và sân bay Long Thành. Bình Dương cũng sớm hoàn thành các đường ngắn kết nối với các cảng trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn để giảm tải cho đường bộ…
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, phát triển hạ tầng là nội dung được tỉnh đặc biệt quan tâm và sẽ nỗ lực tìm giải pháp để tạo sự đột phá. Bình Dương sẽ đẩy mạnh các dự án giao thông kết nối với TP.Hồ Chí Minh. Trong đó sẽ mở rộng quốc lộ 13, thông xe toàn tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn gắn với phát triển tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối thành phố mới Bình Dương với Suối Tiên… Các dự án cầu, đường kết nối giữa Bình Dương và các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai đã được khởi công, tạo sự lưu thông thông suốt. Bình Dương đã và đang đàm phán, phối hợp với các địa phương lân cận để đề xuất với Chính phủ nhiều dự án kết nối hạ tầng trong vùng Đông Nam bộ.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN tiếp cận thị trường, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Trong thời gian tới, Sở Công thương tăng cường việc phổ biến cho DN nắm được lộ trình cam kết trong các FTA… để DN định hướng, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, phát triển đúng hướng. Ông Oh Dongkun, Tổng Giám đốc Công ty Becamex Tokyu: Sau nhiều năm đầu tư vào Bình Dương, chúng tôi nhận thấy tỉnh đang có những phát triển rất bài bản, đặc biệt là thành phố mới Bình Dương được quy hoạch và có tầm nhìn tốt. Tập đoàn Tokyu hợp tác với các đối tác Bình Dương không chỉ phát triển bất động sản mà còn đầu tư vào lĩnh vực giao thông công cộng. Trong thời gian tới, tập đoàn mong muốn đóng góp vào sự phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ chất lượng cao của tỉnh. Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương: Sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, các DN đã nỗ lực chủ động đa dạng thị trường, tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu thay thế thị trường Trung Quốc, sẵn sàng chấp nhận chi phí sản xuất tăng cao khi tìm đối tác mới. Tuy nhiên, các DN trong nước cũng đang khá “chật vật” về nguồn vốn để tái đầu tư so với các DN nước ngoài |
TIỂU MY