Đại tướng Lương Cường phát biểu tại Phiên họp thứ nhất Nhóm Biên tập Quốc phòng-An ninh-Đối ngoại.
Sáng 2/8, tại Hà Nội, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trưởng Nhóm Biên tập chủ trì Phiên họp thứ nhất Nhóm Biên tập Quốc phòng-An ninh-Đối ngoại, tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.
Dự Phiên họp có Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Thông tin về một số nội dung về chương trình, kế hoạch hoạt động của Nhóm Biên tập Quốc phòng-An ninh-Đối ngoại, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết trên cơ sở kế thừa kết quả của các đợt tổng kết trước đây, nội dung "Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quốc phòng, an ninh, đối ngoại qua 40 năm đổi mới" sẽ đi sâu nghiên cứu đánh giá giai đoạn 10 năm gần đây; đồng thời tập trung tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có tầm ảnh hưởng lớn đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Tại Phiên họp, các thành viên Nhóm Biên tập đã trao đổi ý kiến về chương trình, kế hoạch công tác của Nhóm; làm rõ một số nội dung về đề cương Báo cáo tổng kết và phân công trách nhiệm các thành viên trong Nhóm tham gia xây dựng dự thảo các văn bản quan trọng.
Nhấn mạnh nội dung tổng kết có ý nghĩa quan trọng, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận của Đảng về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Đại tướng Lương Cường - Trưởng nhóm Biên tập, thống nhất kế hoạch, chương trình hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên Nhóm Biên tập Quốc phòng-An ninh-Đối ngoại, Tổ Thư ký giúp việc để Nhóm Biên tập hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công.
Đối với đề cương Báo cáo tổng kết, Đại tướng Lương Cường yêu cầu cần làm rõ mục đích, đối tượng, phạm vi, nội dung, phương pháp nghiên cứu, lực lượng tham gia; bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến nội dung tổng kết; quá trình phát triển nhận thức, chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp thực hiện; những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân (về lý luận, chủ trương, đường lối, thể chế, chỉ đạo điều hành, chế tài); bài học kinh nghiệm; dự báo những nhân tố tác động từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề cương Báo cáo cần được xây dựng theo hướng xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp triển khai các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại đến năm 2030, tầm nhìn 2045…; xác định một số mốc thời gian chính triển khai xây dựng Báo cáo chuyên đề; tổ chức Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Báo cáo kết quả nghiên cứu chung của Nhóm dựa trên báo cáo của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao; khảo sát thực tế, nghiên cứu tổng kết tại một số tỉnh ủy, thành ủy; hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết theo chỉ đạo của lãnh đạo Nhóm Biên tập và gửi xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết./.
Theo TTXVN