Hỏi đáp chính sách Bảo trợ xã hội

Cập nhật: 29-04-2015 | 09:35:50

 Hỏi: Tôi có con gái bị gù vẹo cột sống bẩm sinh, ngày 7-7- 2005, con tôi đã có giấy giám định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh với tỷ lệ mất sức lao động là 61%. Hiện con tôi làm việc ở trường học. Vậy, khi con gái tôi làm giấy xác nhận khuyết tật thì có cần làm lại giấy giám định y khoa khác không (vì giấy giám định y khoa được cấp từ ngày 7-7-2005). Nếu có giấy xác nhận khuyết tật, con gái tôi có được nhận chế độ trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật (NKT) không?

Trả lời: Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT quy định: NKT đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày nghị định này có hiệu lực (ngày 1-6-2012) thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật. Vậy, khi con bà xác định mức độ khuyết tật thì không cần làm lại giấy giám định y khoa khác.

Để được cấp giấy chứng nhận khuyết tật, NKT có đơn và hồ sơ theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện gửi UBND cấp xã. Nếu con gái bà được xác định là NKT đặc biệt nặng hoặc NKT nặng thì sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại khoản 1, Điều 44 của Luật NKT.

Hỏi: Công ty tôi có một nhân viên nam bị tai nạn giao thông, có biên bản của cảnh sát. Nhân viên đó có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 2 năm, vậy anh ấy có được hưởng BHXH không? Trong thời gian nghỉ làm, anh ấy có được hưởng lương từ BHXH không? Và nếu có thì cách tính như thế nào?

Trả lời: Nếu tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động (TNLĐ) (tai nạn trên đường đi làm) thì theo quy định tại Điều 143 Luật Lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán tiền lương và chi phí điều trị y tế cho người lao động từ lúc bắt đầu bị TNLĐ đến khi thương tật ổn định.

Sau khi thương tật ổn định, người sử dụng lao động giới thiệu người lao động ra Hội đồng Giám định y khoa để xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Nếu có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động ≥ 5% thì tiến hành trợ cấp theo quy định tại Thông tư số 10/2003/ BLĐTBXH ngày 18-4-2003, đồng thời lập thủ tục gửi cơ quan BHXH để hưởng trợ cấp TNLĐ. Thủ tục hưởng trợ cấp tai nạn lao động gồm: Sổ BHXH, văn bản (mẫu có sẵn của BHXH), biên bản điều tra TNLĐ (4 bản), bản sao giấy ra viện (4 bản), biên bản giám định y khoa (4 bản), biên bản tai nạn giao thông. Nếu tai nạn giao thông không xác định là TNLĐ thì người lao động hưởng trợ cấp ốm đau.

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên