Hội nghị Trung ương 6: Các nội dung bàn thảo rất thực tiễn, cấp bách

Cập nhật: 12-10-2022 | 14:21:10

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. 

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến các tờ trình, đề án, báo cáo của Bộ Chính trị liên quan một số vấn đề lớn, cơ bản và quan trọng như về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; một số công việc quan trọng khác và về công tác cán bộ.

Qua quan tâm theo dõi, cán bộ, đảng viên tại tỉnh Hà Giang bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung, kết quả của hội nghị lần này.

Ông Hạng Mí De, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hà Giang cho rằng các nội dung được bàn thảo tại hội nghị rất thực tiễn, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài để đảm bảo cho đất nước phát triển đúng hướng, có tầm nhìn cho hàng chục năm sau.

Ông Hạng Mí De cũng cho biết, ông theo dõi cả phiên khai mạc và bế mạc, có rất nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra, Hội nghị này có những điểm mới như việc định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ chính trị mang tính chất lâu dài nhưng rất thực tế, cần thiết với tình hình hiện nay.

Việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đảm bảo đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế và tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo và trong điều kiện Đảng, hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động, khắc phục tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực.

Việc trước mắt cũng như lâu dài là phải tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; kiên quyết xử lí những đảng viên không gương mẫu, vi phạm. Đảng mạnh là đảng có nhiều đảng viên tốt.

Ông Min Phà Kháy, đảng viên tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, bày tỏ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã có nhiều đổi mới, có đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tốt hơn, công tác tư tưởng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cần được đặc biệt chú trọng, bởi quan trọng vẫn là phòng ngừa.

Bên cạnh việc tạo điều kiện để cán bộ đủ năng lực, có kiến thức phục vụ công việc, cần đảm bảo thu nhập, đời sống cho cán bộ, giúp họ an tâm công tác./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=326
Quay lên trên