Hội thảo hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực Biển Đông

Cập nhật: 27-11-2017 | 15:49:00

 

Thẩm phán Vladimir Golitsyn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực,” Hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông đã khai mạc sáng 27/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo do Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức. Khoảng 200 đại biểu, trong đó có gần 90 học giả quốc tế, đại diện một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đã tham dự.

Hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông giúp các học giả Việt Nam và quốc tế có cái nhìn đa chiều về tình hình Biển Đông trong năm qua; phân tích, thảo luận các biện pháp duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thúc đẩy hợp tác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ​phó ​giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng Biển Đông vẫn là một trong những bài toán khó đối với giới nghiên cứu, học giả quốc tế; là điểm nóng hội tụ nhiều lớp mâu thuẫn, cạnh tranh địa chiến lược thế giới.

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, tình hình Biển Đông có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên trong tổng thể, dài hạn, bất an, lo ngại vẫn đè nặng bởi nỗi lo về nguy cơ vô trật tự và xung đột.

Từ góc độ hệ thống, trật tự trên biển bị xói mòn do luật pháp quốc tế chưa được tôn trọng đầy đủ, ​phó ​giáo sư Nguyễn Vũ Tùng đánh giá, những nỗ lực nhằm quản lý tranh chấp vẫn mang tính đối phó và chắp vá.

Một nghịch lý còn tồn tại là dù có nhiều sáng kiến hợp tác nhưng kết quả thực chất lại hết sức hạn chế do thiếu hụt lòng tin chiến lược.

Những diễn biến trong năm qua và bức tranh tình hình có thể thấy Biển Đông ngày càng phức tạp trong năm tới...

Theo ​phó ​giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, cần có những giải pháp toàn diện, lâu dài và bền vững hơn để ngăn chặn vấn đề Biển Đông trở nên trầm trọng, đe dọa "hệ sinh thái an ninh" của toàn khu vực.

Do vậy, các nhà khoa học cần phân tích kỹ lưỡng và đề xuất giải pháp toàn diện, lâu dài, bền vững, những cách tiếp cận thiết thực để quản lý tranh chấp, giảm thiểu căng thẳng, tận dụng cơ hội hợp tác và giải quyết triệt để vấn đề.

Với gần 30 tham luận trình bày tại Hội thảo, các chuyên gia sẽ tập trung vào những vấn đề như: Đánh giá diễn biến trên Biển Đông; quan hệ quốc tế và trật tự dựa trên pháp lý trên Biển Đông; cân bằng quân sự và bán quân sự ở Biển Đông; các hoạt động trên biển: nguồn gốc của xung đột hay lĩnh vực để hợp tác; các khía cạnh pháp lý trên Biển Đông; các sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững và hợp tác; Bộ Quy tắc ứng xử (COC): Nội dung và tiến trình...

Đề cập về vai trò của các cơ chế tài phán quốc tế nói chung trong việc nâng cao vai trò và phát triển luật pháp quốc tế, Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn, nguyên Chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển ITLOS cho rằng, vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế cần được nâng cao bởi sự hình thành các Tòa án là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế và quản trị biển.

Khi thực hiện những chức năng nhiệm vụ, Tòa án quốc tế về Luật biển dần dần trở thành một cơ quan về khoa học luật pháp, đóng góp vào sự phát triển tiến bộ của luật biển và quản trị biển quốc tế.

Giáo sư Brahma Chellaney, Trung tâm Nghiên cứu chính sách Ấn Độ cho rằng, hiện đang có sự điều chỉnh lại trật tự, ảnh hưởng đến vấn đề ổn định chính trị khu vực và trung tâm thế giới đang chuyển về khu vực Ấn Độ​-Thái Bình Dương.

Trong đó, Biển Đông là khu vực nước quan trọng nhất trên thế giới với tuyến hàng hải quốc tế sôi động, kết nối Ấn Độ​-Thái Bình Dương.

Hiện khu vực Ấn Độ​-Thái Bình Dương đang “nắm giữ chìa khóa” an ninh và trật tự thế giới, do đó bất cứ sự bất ổn nào trên Biển Đông, không chỉ ảnh hưởng đến các nước trong khu vực Biển Đông mà ảnh hưởng rất nhiều quốc gia, khu vực khác, vì vậy cần phải đặt trong tính tổng thể, không tách rời.

Vì vậy, theo ​giáo sư Brahma Chellaney, các bên phải tôn trọng những quy tắc, nguyên tắc quốc tế bởi nếu một bên đứng ngoài luật pháp chung sẽ dẫn tới bất ổn. Do vậy, tính trung tâm của Biển Đông phải được đảm bảo bởi một trật tự trên nguyên tắc chung.

Phó ​giáo sư Nguyễn Vũ Tùng khẳng định​ tầm quan trọng của hội thảo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều học giả, nhà hoạch định chính sách.

Tranh chấp lãnh thổ trong bối cảnh địa chính trị là rất phức tạp, đòi hỏi việc trao đổi thông tin, quan điểm cần được thực hiện thường xuyên.

Những thông tin tại hội thảo giúp mọi người hiểu biết hơn về vấn đề ở Biển Đông dưới những góc độ như, pháp lý, địa chính trị, chính sách của các nước...

Theo ​phó giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, vấn đề ở Biển Đông là vấn đề thượng tôn pháp luật như nguyên Chánh án Tòa án quốc tế về Luật biển ITLOS, Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn đã phát biểu.

Nếu tất cả các nước đều tôn trọng pháp luật, đây là một khởi đầu tốt để đạt được những thành công trong quản lý tranh chấp, tiến đến giải quyết tranh chấp. Hội thảo quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông diễn ra trong hai ngày 27 - 28/11, với 7 phiên thảo luận./.

Theo TTXVN 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=556
Quay lên trên