Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ môi trường Tân Hiệp An: Đa dạng ngành nghề, phát triển bền vững

Cập nhật: 24-05-2022 | 08:13:14

Dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ môi trường Tân Hiệp An (phường Hiệp An), đã nỗ lực trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, đa dạng ngành nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở ra hướng đi mới.

 Nhằm phát triển bền vững, các HTX trên địa bàn thành phố đã đa dạng ngành nghề hoạt động. Trong ảnh: Sản xuất dưa lưới công nghệ cao, hướng đi mới của HTX Tân Hiệp An

 Đa dạng ngành nghề

Ông Dương Thanh Hữu, Giám đốc HTX Tân Hiệp An, cho biết cách đây khoảng 5 năm, khi trên các phương tiện truyền thông giới thiệu mô hình trồng đông trùng hạ thảo, ông cùng gia đình quyết định lựa chọn mô hình này phát triển kinh tế. Ông học khóa về trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng loại dược liệu quý hiếm, đồng thời mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng, xây dựng nhà kín để phát triển mô hình. Ông phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tiền bạc… nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm thực tế… để đeo bám đến cùng.

Theo ông Hữu, nuôi đông trùng hạ thảo khá tốn kém. Nuôi trong môi trường khép kín, đầy đủ cơ sở hạ tầng, như phòng lạnh, phòng cấy nấm, máy sấy thăng, nồi hấp. Từ lúc cấy đến lúc thu hoạch khoảng hơn 40 ngày, với các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... vô cùng khắt khe. Tỷ lệ thành công nuôi đông trùng hạ thảo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ khâu làm giá thể cho đến bảo đảm điều kiện nuôi cấy, chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Do đó, cần phải đầu tư nhiều trang thiết bị, kỹ thuật thật tốt mới chắc ăn. Sau gần 1 năm kiên trì, vừa làm vừa học, cuối cùng mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của ông đã thành công, sản phẩm sau thu hoạch dần đi vào ổn định.

Cùng với nuôi đông trùng hạ thảo, HTX Tân Hiệp An chọn ‘đi đường dài” với mô hình trồng dưa lưới sạch. “Tôi mong muốn trở thành người trồng dưa lưới sạch để đưa sản phẩm đến tận tay bà con. Tôi có dịp đến nhà một người bạn chơi và ấn tượng với loại dưa có vỏ giòn, vị ngọt thanh, ít hạt... cho năng suất cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên quyết tâm thực hiện”, ông Hữu chia sẻ. Năm 2016, ông tiếp tục đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động, vừa trồng vừa mở rộng dần diện tích dưa lưới và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Dù vốn đầu tư ban đầu theo mô hình tương đối cao nhưng bù lại, dưa cho năng suất, chất lượng trái tốt, bán được giá nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Chỉ sau vài lần khắc phục thất bại, 10 vườn dưa lưới có tổng diện tích 5 ha được trồng rải rác ở xã Phú An (TX.Bến Cát), huyện Phú Giáo đã bắt đầu trúng mùa, được giá, cho thu nhập ổn định đến nay”, ông Dương Thanh Hữu nói.

Chưa dừng lại ở 2 mô hình nêu trên, hiện nay HTX Tân Hiệp An đang tiếp tục triển khai mô hình cà phê sân vườn, trồng cây ăn trái sầu riêng, măng cụt kết hợp nuôi ốc bươu trên diện tích 2 ha tại phường Hiệp An, xã An Tây (TX.Bến Cát) nhằm hướng tới dịch vụ du lịch, gia tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, thành viên cũng như làm phong phú thêm mô hình kinh tế HTX.

Hiệu quả kinh tế cao

Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chặt chẽ nên đông trùng hạ thảo phát triển thành công. Ông Dương Thanh Hữu cho biết loại dược liệu này sau 3 tháng nuôi là có thể thu hoạch. Để có sản phẩm cung cấp thường xuyên, cứ 15 ngày chị xuống giống 1 đợt, tổng sản phẩm đông trùng hạ thảo hiện có trên 3.600 hũ. “Sản phẩm tươi được bán lẻ giá 250.000 đồng/hộp. Ngoài ra, còn có đông trung hạ thảo sấy khô, ngâm mật ong, ngâm rượu với các mức giá khác nhau. Các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của HTX đều có đầy đủ giấy chứng nhận, thử nghiệm phân tích về chất lượng của cơ quan chức năng sau mỗi đợt thu hoạch. Hiện sản phẩm được bán lẻ ở thị trường Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng là chủ yếu. Đặc biệt, hiện nay sản phẩm bán chạy hơn do người tiêu dùng mua dùng để nâng cao, bảo vệ sức khỏe và làm quà cho bạn bè, người thân. Nhờ vậy, doanh thu của HTX đạt khá, trung bình mỗi tháng từ 300 - 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại khoảng hơn 50% doanh thu”, ông Hữu chia sẻ.

Đối với vườn dưa lưới được trồng theo kỹ thuật cao vừa an toàn, vừa thân thiện với môi trường do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm làm ra không đủ cầu. Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm dưa lưới sạch rất hút khách. Hiện nay, bình quân 3 tháng, sản lượng dưa lưới cho năng suất thu hoạch đạt 1,5 - 2 tấn/vườn, với mức 150 triệu đồng/vườn, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt 60 - 70 triệu đồng/vườn.

Với tinh thần vượt khó, các thành viên HTX cùng nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sạch vào sản xuất, mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo, dưa lưới sạch của HTX Tân Hiệp An bước đầu thành công, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, thành viên HTX mà còn giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương. Đây là một trong những mô hình hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững ở địa phương.

 TRÚC HUỲNH - CHÂU TIẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên