Đến nay, huyện Phú Giáo đã có 7/10 xã đạt nông thôn mới (NTM) nâng cao. Một trong những yếu tố tạo nên thành công là huyện đã thực hiện có hiệu quả việc huy động các nguồn lực trong xây dựng NTM.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao U&I, xã An Thái, huyện Phú Giáo
Kinh tế nông nghiệp phát triển
Tại xã An Thái, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã nỗ lực không ngừng và đề ra các giải pháp nhằm giữ vững danh hiệu; đồng thời đưa xã đạt tiêu chí NTM nâng cao vào năm 2020. Xã đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, coi trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, ưu tiên các mô hình sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, thương hiệu, nhãn mác hàng hóa... Điển hình là Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, chuyên sản xuất sản phẩm nông nghiệp (chuối, dưa lưới...) ứng dụng công nghệ cao, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...
Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” đã được cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến ấp và người dân tích cực hưởng ứng; phát huy được trí tuệ của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo đóng góp cho xây dựng NTM. Cụ thể từ năm 2016-2020, xã đã huy động nhân dân tự nguyện chung tay góp sức bằng tiền mặt hơn 746 triệu đồng, hiến đất đai, tự giải tỏa cây trái, hoa màu quy đổi thành tiền gần 2,5 tỷ đồng... Bộ mặt nông thôn ở xã ngày có nhiều khởi sắc, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn, đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Tương tự, xã Tân Hiệp cũng đã không ngừng nỗ lực thực hiện xây dựng NTM nâng cao, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân. Bà Lê Thị Kim Cương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, cho biết Đảng bộ xã đã quán triệt và chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/BCHTW ngày 5-8-2008 về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”; xác định mục tiêu xây dựng NTM cụ thể trong nghị quyết đại hội Đảng bộ xã. Trong đó, xã tập trung huy động mọi nguồn lực, đất đai, con người, sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa. Điển hình cho sự phát triển này là việc hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển vùng nông nghiệp chuyên canh hợp lý...; hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, nghị quyết gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, đời sống người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/ người/năm (2018), đạt 60 triệu đồng/người/năm (2019), đạt 72,3 triệu đồng/người/năm (2021) và phấn đấu đạt 74 triệu đồng/người/ năm vào cuối năm 2022.
Đưa huyện đạt NTM nâng cao
Xác định trở thành huyện NTM nâng cao là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Phú Giáo đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, trong đó tập trung phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong xây dựng NTM được đẩy mạnh.
Theo Huyện ủy Phú Giáo, với mục tiêu và định hướng phát triển, phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao, phát triển bền vững, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch và đề ra giải pháp nhằm phát huy, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, kết hợp huy động tối đa các nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, điện... Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích cực mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; kết hợp đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; ưu tiên mời gọi, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Trên cơ sở đó, huyện đã có những định hướng phát triển, từng bước chuyển đổi loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp từ sản xuất hộ gia đình sang phát triển hợp tác xã, trang trại; trong đó chú trọng chuyển đổi các giống chất lượng tốt, năng suất cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường và từng bước đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất để hiện đại hóa và sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Huyện chú trọng xây dựng thương hiệu, đăng ký xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa một số sản phẩm nông sản chủ lực; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển tập trung và quy mô để tạo thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như cơ giới hóa, tự động hóa, nâng cao năng suất lao động, không ngừng tăng nhanh thu nhập cho nông dân. Hiện tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện; đến năm 2030 phấn đấu đạt trên 30% và đến năm 2040 là 50%.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vốn, công nghệ sản xuất, xây dựng cơ sở hoạt động, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tiêu biểu là khu trồng trọt códiện tích 411,75 ha tại xãAn Thái của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I; khu chăn nuôi bò sữa códiện tích 471 ha ở xã Phước Sang và khu sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của Công ty Cổ phần Vinamit với diện tích hơn 152 ha. Cùng với đó là việc hình thành 11 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp...
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 141 trang trại xét theo tiêu chícủa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 309 cơ sở/hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm 233 cơ sở trồng trọt với tổng diện tích gần 920 ha và 76 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các cơ sở này đều ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao, có hệ thống máng ăn, uống tự động, xử lý chất thải bằng công nghệ biogas, hoặc được xử lý làm phân hữu cơ sinh học, có hệ thống xử lý chất thải...
KHÁNH PHONG