Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Giáo luôn đồng hành cùng người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên trong quá trình tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, học tập. Đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Giáo đang thành lập 229 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), thực hiện ủy thác cho vay 7 chương trình tín dụng chính sách qua các hội, đoàn thể.
Anh Bùi Văn Tuấn ở xã Vĩnh Hòa đã thoát nghèo với mô hình nuôi dê
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi
Chương trình cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, chăn nuôi đã thực sự mang lại hiệu quả cao cho người dân trong huyện. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình anh Bùi Văn Tuấn ở xã Vĩnh Hòa. Cách đây 5 năm, anh được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi dê. Có tiền cùng với kiến thức am hiểu trong chăn nuôi, anh đã thành công ngoài mong đợi trong việc phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại đàn dê của gia đình anh luôn dao động từ 40 - 60 con sinh sản, mỗi năm anh bán ra thị trường hàng chục con dê thịt, thu về hơn 100 triệu đồng. Anh Tuấn chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi không biết cuộc sống gia đình tôi hiện nay ra sao. Đây là một chính sách tốt cho người dân có hoàn cảnh khó”.
Gia đình ông Bùi Văn Soạn ở xã Tam Lập cũng vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn này nhờ đầu tư nuôi bò. Trước đây nhà ông thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn do con đông, không có đất sản xuất. Năm 2017, được địa phương xét vay vốn tín dụng với số tiền 50 triệu đồng, ông đầu tư mua cặp bò cái. Sau hơn 1 năm, gia đình ông đã có một cặp bò con. Số lượng bò tăng dần, đến nay đàn bò của ông Soạn có giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay, gia đình ông thoát nghèo, trả được vốn vay và được xét vay lại số tiền 120 triệu đồng để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi.
Một điển hình nữa trong việc sử dụng nguồn vốn NHCSXH vươn lên thoát nghèo ở huyện Phú Giáo có thể kể đến hộ gia đình anh Nguyễn Quốc Thoại, ngụ xã An Thái. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 kiên cố, anh Thoại khoe đây là thành quả vợ chồng anh có được từ nguồn vốn NHCSXH và tiền dành dụm của gia đình hơn 7 năm qua. “Năm 2010, vợ chồng tôi ở chung với cha mẹ trong căn nhà tạm bợ. Tôi được NHCSXH huyện cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Tiếp đó, năm 2017, tôi được xét duyệt vay số tiền 50 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi hộ nghèo. Có tiền, vợ chồng tôi quyết định đầu tư chăn nuôi bò. Nhờ nuôi bò, đến năm 2018, vợ chồng tôi tích cóp và vay mượn thêm mua được miếng đất rộng 1.000m2 với số tiền 125 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của NHCSXH chắc cuộc sống gia đình tôi sẽ còn nhiều khó khăn, chưa biết khi nào thoát nghèo”, anh Thoại tâm sự.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Sau 20 năm đi vào hoạt động, NHCSXH huyện Phú Giáo đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội địa phương. Tính đến hết tháng 6-2022, tổng nguồn vốn tín dụng NHCSXH huyện Phú Giáo quản lý hơn 610 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hơn 346 tỷ đồng, chiếm 56,79%; vốn nhận
ủy thác từ ngân sách địa phương 204 tỷ đồng, chiếm 30%; vốn tại địa phương 59,7 tỷ đồng, chiếm 10% tổng nguồn vốn. Từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đến nay ngân hàng đã tạo điều kiện cho 51.000 lượt hộ được vay vốn. Nguồn vốn vay đã giúp cho các đối tượng thuộc hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ gia đình đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, trở thành điểm sáng trong việc sử dụng vốn chính sách hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn vay ưu đãi còn hỗ trợ cho hơn 5.000 học sinh, sinh viên thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập và tạo điều kiện cho 21.935 hộ gia đình đầu tư xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh.
Ông Phạm Quốc Du, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Giáo, chia sẻ những năm qua, công tác quản lý, giải ngân các nguồn tín dụng chính sách của phòng đạt hiệu quả cao. Dù nguồn vốn vay không thật sự lớn, nhưng các hộ dân được vay đều biết cách xoay sở, lo liệu để đầu tư vào những mô hình kinh tế phù hợp với năng lực và điều kiện của gia đình. Từ chỗ làm ăn hiệu quả, các hộ vay đã trả lãi suất, trả vốn vay đúng hạn, giúp cho nguồn vốn ngân hàng tăng trưởng, tỷ lệ nợ xấu thấp. “Để nâng cao hơn nữa hiệu quả chính sách tín dụng, thời gian tới, NHCSXH huyện Phú Giáo tiếp tục tăng cường xử lý, thu hồi nợ đến hạn, quá hạn để tạo nguồn vốn xoay vòng đối với các chương trình tín dụng; nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nguồn tiền gửi tiết kiệm trong dân để tạo nguồn vốn vay ưu đãi”, ông Du nói.
QUANG TÁM