Huy động nguồn lực phát triển du lịch nông thôn

Cập nhật: 24-05-2022 | 08:13:14

Bên cạnh du lịch tâm linh, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… thì du lịch nông thôn là một trong những tiềm năng của huyện Dầu Tiếng. Để đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn, huyện Dầu Tiếng đã có những hoạt động hỗ trợ cũng như định hướng phát triển du lịch nông thôn.

 Gắn kết những vườn cây ăn trái với tham quan các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Dầu Tiếng là định hướng để phát triển du lịch nông thôn

Hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn

Với lợi thế có sông Sài Gòn chảy qua địa bàn, nhiều hộ dân ở những địa phương ven sông của huyện Dầu Tiếng đã đầu tư trồng các loại cây ăn trái cho năng suất, chất lượng cao như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh… Đây cũng là tiềm năng để huyện Dầu Tiếng đưa vào khai thác phát triển du lịch nông thôn sinh thái miệt vườn - một loại hình du lịch đang được ưa chuộng hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn, trong thời gian qua, bên cạnh triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch chung của huyện, UBND huyện cũng đã xây dựng dự án phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền. Đồng thời, huyện cũng xác định các nhà vườn, các vườn cây ăn trái trên địa bàn là những điểm đến du lịch gắn với phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới của huyện. Huyện đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ và phát triển các vườn cây ăn trái để phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.

Để từng bước hình thành và phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn và du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, góp phần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện, ngoài việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho hộ dân trồng măng cụt nhằm tăng năng suất, chất lượng vườn cây, huyện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng thêm về kiến thức cũng như những kỹ năng liên quan về khai thác phát triển du lịch cho các nhà vườn. Phòng Văn hóa và Thông tin đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tổ chức cho các nhà vườn ở xã Thanh Tuyền và Thanh An tham dự các lớp tập huấn kỹ năng về phát triển du lịch sinh thái vườn và các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng. Các lớp tập huấn thường kết hợp cho nhà vườn đi tham quan, khảo sát thực tế tại các địa phương làm tốt công tác phát triển du lịch sinh thái vườn ở các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre… để các nhà vườn học tập thêm kinh nghiệm và áp dụng khi thực hiện.

Huy động nguồn lực để phát triển

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hiện có hơn 560ha diện tích cây ăn trái, trong đó có hàng trăm hộ dân tham gia trồng cây măng cụt. Riêng trái măng cụt huyện Dầu Tiếng, từ năm 2019 đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ có vườn cây ăn trái măng cụt tại xã Thanh Tuyền và các hộ tại ấp Bến Tranh, xã Thanh An thuộc Tổ liên kết du lịch sinh thái xã Thanh An đang hình thành các điểm dừng chân phục vụ du khách. Trong đó, có một số nhà vườn tiêu biểu được nhiều du khách biết đến, như: Trần Văn Sáu, Nguyễn Văn Tỵ, Cao Quế Anh, Huỳnh Văn Đường ở xã Thanh Tuyền. Riêng Tổ liên kết du lịch sinh thái xã Thanh An (ấp Bến Tranh) cũng đã hình hành một điểm dừng chân chung... Hiện nay, huyện vẫn đang tiếp tục vận động, hỗ trợ các hộ nông dân có vườn cây ăn trái, quán ăn ở các xã Thanh Tuyền và Thanh An xây dựng các điểm tham quan vườn cây ăn trái đủ điều kiện để phục vụ du khách đến tham quan, ăn uống kết hợp với chương trình phục vụ của các nhóm đờn ca tài tử- cải lương.

Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế huyện cũng đang tiếp tục tổchức nghiệm thu dựán khoa học công nghệ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh các loại cây có múi đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở xã Minh Hòa và xã Minh Thạnh. Đây là điều kiện để nâng tầm chất lượng trái cây của huyện Dầu Tiếng, góp phần quảng bá, thu hút khách du lịch nông thôn, cộng đồng trong thời gian tới.

Với sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển của địa phương, bước đầu đã có một số nhà vườn, hợp tác xã nông nghiệp có cung cấp dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, đây chỉ là các sản phẩm dịch vụ đơn điệu, các chủ nhà vườn hoạt động chưa có kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, cũng như kết nối với nhau tạo thành du lịch cộng đồng. Phần lớn các cơ sở kinh doanh du lịch tại các nhà vườn hoạt động nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình, chất lượng phục vụ chưa cao, chưa có sự liên kết, hợp tác giữa các hộ nhà vườn, cơ sở cung ứng dịch vụ với nhau. Hơn nữa, đặc điểm của các loại cây ăn trái chỉra trái theo mùa, nên khách du lịch chỉ tập trung đến vào các tháng có trái cây chín để tham quan và thưởng thức các loại trái cây. Khó khăn nữa đó là việc liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch về huyện Dầu Tiếng vẫn còn hạn chế do địa phương chưa có điểm tham quan phù hợp và giữ chân du khách ởlại lâu ngày; điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sởlưu trú chưa đạt chuẩn, khả năng đáp ứng chỗ lưu trú còn ít…

Nói về định hướng phát triển du lịch nông thôn huyện Dầu Tiếng trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết huyện sẽ tăng cường huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng, cơ sởvật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Địa phương sẽ ưu tiên nguồn lực thích hợp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, trong đó ưu tiên xây dựng các bến cảng hành khách trên tuyến sông Sài Gòn kết hợp phục vụkhách tham quan. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành các dự án thuộc Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; tác động, thúc đẩy các đơn vị liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu du lịch sinh thái Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng; phối hợp tổchức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý du lịch và nhân dân các địa phương tham gia hoạt động du lịch; phát triển lao động là người địa phương phục vụphát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm trong khu vực nông thôn. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương để khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, xúc tiến du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế nhằm từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn.

 CẨM LÝ - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên