Sau hơn 6 năm thành lập, đến nay cơ sở hạ tầng của huyện Bàu Bàng được đầu tư khá hoàn thiện. Việc đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư, nhà ở xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện mà còn tạo diện mạo đô thị mới Bàu Bàng, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị.
Hạ tầng kỹ thuật huyện Bàu Bàng ngày càng hoàn thiện
Diện mạo đô thị mới
Được tách ra từ TX.Bến Cát, Bàu Bàng hôm nay đã thật sự “thay da đổi thịt”, khoác trên mình màu áo mới. Các công trình hạ tầng giao thông đã và đang được tập trung đầu tư, tương đối đồng bộ, kết nối giữa các vùng, khu vực, như đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Các công trình hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng được nhu cầu, phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Huyện đã hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới (7/7 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia, thị trấn Lai Uyên trở thành đô thị loại 5...).
Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết: “Kế thừa và phát huy thành quả của những năm trước, chính quyền và nhân dân địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tăng tỷ trọng các tuyến đường có quy mô, kết cấu mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng nhằm năng cao chất lượng sử dụng và tuổi thọ công trình.
Đến nay, hạ tầng giao thông của huyện tương đối đồng bộ, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thay đổi diện mạo đô thị”. Theo ông Giàu, nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho công nghiệp phát triển, trong giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị; tập trung bố trí vốn các công trình chuyển tiếp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên thực hiện các công trình trọng điểm như đường vành đai Khu công nghiệp Bàu Bàng - đường ĐT749A; đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; trung tâm hành chính huyện, nhà công vụ huyện, các trường học và các tuyến đường kết nối giao thông quốc lộ 13, đường tạo lực Bến Cát - Bàu Bàng… Đây là nhiệm vụ đột phá để phát triển thành công, tạo bước nhảy vọt, đồng bộ về KT-XH của huyện.
Đột phá bằng khoa học - công nghệ
Đến nay, hạ tầng Khu công nghiệp - Đô thị Bàu Bàng đã hoàn chỉnh. Khu công nghiệp Tân Bình có hơn 95ha thuộc địa bàn huyện đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, huyện đang phát triển thêm 2 khu công nghiệp Lai Hưng (600ha) và Cây Trường (700ha).
Hiện trong Khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng có 7 khu dân cư với diện tích 1.160ha. Ngoài ra, huyện còn có 25 dự án khu nhà ở đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ đầu tư dự án với tổng diện tích hơn 451ha. Trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên diện tích 932.792m2 với hơn 31.080 phòng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hơn 93.200 người.
Từ nay đến năm 2030 khi các công ty tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đi vào hoạt động, các tuyến đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng, Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên được đầu tư xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH trên địa bàn huyện phát triển nhanh. Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Với mục tiêu xây dựng huyện Bàu Bàng phát triển, sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị phía Bắc của tỉnh, tạo bước đột phá thúc đẩy huyện Bàu Bàng hướng đến tầm cao mới, Bình Dương đã quy hoạch khu công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN) tại huyện Bàu Bàng. KCN KHCN là bước đột phá sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao”. KCN KHCN tại Bàu Bàng sẽ là một cụm nối dài của Vùng trung tâm từ Thủ Dầu Một, thành phố mới Bình Dương trong việc thu hút các viện trường, các trung tâm xuất sắc của các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức, vừa đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng mô hình sản phẩm khu công nghiệp mới cho Bình Dương, còn có nhiệm vụ nâng cấp hệ sinh thái công nghiệp hiện tại, cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, vừa phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Với nhũng thành tựu đã đạt được cùng với những mục tiêu đã đề ra, tin tưởng rằng trong những năm tiếp theo huyện Bàu Bàng sẽ vươn mình phát triển mạnh mẽ.
PHƯƠNG LÊ