Đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông do ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc sở làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với huyện Dầu Tiếng về kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2022 và quý I-2023 trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của UBND huyện Dầu Tiếng, đến nay hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan hành chính đang được nâng cấp đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ, trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được đầu tư để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Công tác bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định, trang bị các giải pháp như tường lửa, phần mềm bảo mật, hệ thống cảnh báo truy cập trái phép…
Huyện đã thành lập 90 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện với 498 thành viên để thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, người dân.
Các tổ công nghệ số cộng đồng đã thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số như Cổng dịch vụ công tỉnh, Tổng đài 1022, ứng dụng Bình Dương số, ứng dụng định danh và xác thực định danh điện tử (VNeID), ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID)...
Mới đây, huyện Dầu Tiếng ra mắt tuyến đường thí điểm không dùng tiền mặt. Qua đó, thường xuyên tuyên truyền đến người dân, cửa hàng, hộ kinh doanh trên địa bàn sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, như: VNPT Money, Viettel Money, VN Pay, Momo, VietQR... giúp phần lớn người dân, cửa hàng, hộ kinh doanh có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch hàng hóa, dịch vụ hàng ngày.
H.VĂN