Kế thừa thành tựu năm 2019 nỗ lực hoàn thành các mục tiêu trong năm 2020

Cập nhật: 02-01-2020 | 08:35:12

Theo Chính phủ, năm 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2030. Vì thế, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm.

Năm 2020, tỉnh phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,55%. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Phương Vy (TX.Thuận An). Ảnh: TIỂU MY

Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp

Năm 2020, dự báo tình hình khu vực, thế giới tiếp tục có những biến động khó lường, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm, xung đột thương mại giữa một số nền kinh tế lớn vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đưa ra 6 nội dung chỉ đạo trọng tâm để đạt mức tăng trưởng cao.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: “Chúng ta nói khát vọng, đổi mới sáng tạo nhưng đồng thời phải khắc phục nhanh những yếu kém, tồn tại, bất cập được nêu tại hội nghị này, chứ không phải chúng ta cứ nói lý thuyết mãi, còn hành động thì còn nhiều vấn đề cần khắc phục”.

Trong các chỉ tiêu giao cho bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ Công thương mục tiêu năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Phải tăng hiệu quả của sản xuất, trong đó phải chế biến sâu để nâng cao giá trị; giảm chi phí logistics, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để phục vụ hiệu quả cho xuất nhập khẩu. Bên cạnh xuất khẩu trực tiếp, cần đẩy mạnh xuất khẩu “tại chỗ”, phát triển ngành du lịch. Thủ tướng cũng nhắc đến khả năng thiếu điện của Việt Nam trong thời gian tới. “Vậy chủ trương, biện pháp, chính sách nào để chủ động trong cung cấp điện. Ý nói là chúng ta đã phát hiện ra vấn đề thì có cách giải quyết vấn đề, chứ không biết rồi, để đó, nói mãi”, Thủ tướng nói.

Nhắc lại thông điệp về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, Thủ tướng nêu rõ phải mở rộng thông điệp này: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế đã nói rồi, nhưng bổ sung thành không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.

Trước nhiệm vụ lớn mà Thủ tướng giao, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, nhận định năm 2020, thị trường trong nước, nước ngoài tiếp tục mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất, xuất khẩu. Thế nhưng, những thách thức cũng rất lớn, đòi hỏi các ngành phải tái cơ cấu sản xuất cho phù hợp để đáp ứng được nhu cầu của các thị trường trên thế giới, vượt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7% so với năm 2019.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lưu ý các doanh nghiệp cần chú trọng thị trường ASEAN. Vì đây sẽ là thị trường mang lại nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu nông sản trong năm 2020.

Tại hội nghị, nhiều tỉnh, thành đề xuất Chính phủ xem xét năm 2020 tăng vốn cho địa phương để đầu tư những công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm giúp địa phương phát triển. Các tỉnh, thành cũng đề nghị Trung ương thực hiện nhanh các dự án giao thông quốc gia để kết nối với giao thông vùng, địa phương nhằm tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải, cho hay năm 2020, Trung ương sẽ ưu tiên vốn, triển khai nhanh các dự án giao thông quốc gia trọng điểm, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, một số công trình quan trọng khác.

Quyết liệt từ đầu năm

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu giao cho ngành công thương trong giai đoạn 2016- 2020, ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, khẳng định sở sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, sở chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu; ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sở cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư...

Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, năm 2020 sở sẽ tổng hợp, rà soát, phối hợp xây dựng Phương án phát triển giao thông vận tải tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; đồng thời tiếp tục thực hiện các chiến lược, quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH17, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 5-2-2018 của Chính phủ. Sở cũng phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh, thành thực hiện việc định hướng, xây dựng các trục giao thông đối ngoại, kết nối giao thông thủy - bộ của tỉnh như đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, quốc lộ 13, đường Thủ Biên - Đất Cuốc... và gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của sông Sài Gòn, sông Đồng Nai; tiếp tục thực hiện Chương trình số 43/CTr- TU, Chương trình số 23-CTr/ TU, Chương trình số 22-CTr/ TU của Tỉnh ủy…

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho hay trong năm 2020 huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, huyện sẽ tích cực phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng lập hồ sơ bổ sung mới các khu, cụm công nghiệp vào quy hoạch của tỉnh. Huyện cũng hỗ trợ, thúc đẩy chủ đầu tư triển khai đầu tư Cụm công nghiệp An Lập và dự án mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân; triển khai thực hiện và quản lý các đồ án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch năm 2020, Kế hoạch phát triển đô thị huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2017-2020. Huyện cũng tập trung đầu tư 4 đô thị định hướng nâng cấp, phát triển, gồm thị trấn Dầu Tiếng, Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Hòa; phấn đấu xã Thanh Tuyền được công nhận là đô thị loại V...

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong năm 2020 tỉnh phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,55% so với năm 2019; phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, ổn định tốc độ tăng trưởng và giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4% so với năm 2019.
Tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả; rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý đất đai; rà soát, thống kê, quản lý và lập kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, khu dân cư tập trung… 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên