Kết nối Telehealth, xóa khoảng cách y tế

Cập nhật: 26-02-2024 | 09:55:07

Kết nối khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) được Bình Dương coi là một xu hướng mới trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tích hợp thân thiện với công nghệ thông tin. Đây là một hình thức học tập mới vững cả về lý thuyết lẫn thực hành.

 Ca mổ tán sỏi thận qua da được Bệnh viện Đa khoa tỉnh truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội trường

 Hội chẩn khám bệnh từ xa

Vào thứ năm hàng tuần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại tham gia hội chẩn, kết nối Telehealth với một số bệnh viện tuyến trên. Nhờ các buổi khám, chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống, đưa ra hướng xử lý chính xác và kịp thời. Bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh ngay tại tuyến dưới, không phải vất vả lên tuyến trên.

Đầu tiên phải kể đến ứng dụng chẩn đoán mô bệnh học từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hội chẩn gần 1.000 trường hợp bệnh với Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Giải phẫu bệnh từ xa (Telepathology) và thực hành chẩn đoán giải phẫu bệnh bằng cách hiển thị hình ảnh mô bệnh học trên màn ảnh, video thay vì xem tiêu bản trực tiếp trên kính hiển vi. Tiêu bản bệnh phẩm hiển thị trên slide kính sẽ được chụp bằng thiết bị quét để chuyển thành slide số có độ phân giải cao và có thể xem trực tiếp trên các thiết bị di động nhằm tư vấn các trường hợp khó và chẩn đoán sinh thiết tức thì.

Đặc biệt, lần đầu tiên hội thảo chuyên đề về kỹ thuật ít xâm lấn trong điều trị bệnh lý sỏi đường tiết niệu được Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức, truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội trường nơi có 200 thầy thuốc cùng theo dõi các kỹ thuật viên phẫu thuật trên những ca bệnh khó, phức tạp. Tại cuộc hội chẩn, sau khi bệnh viện thông tin về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, kết quả các xét nghiệm…, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên sẽ cùng thảo luận và đưa ra những hướng giải quyết, xử lý nhằm điều trị tốt nhất cho người bệnh. Nhờ có sự hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của các bác sĩ bệnh viện tuyến trên mà các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được nâng cao năng lực, mạnh dạn, kịp thời thực hiện các biện pháp điều trị cho bệnh nhân. Điều đặc biệt tại đây, các bác sĩ có thể nhìn thấy hình ảnh động đang diễn ra trong ca mổ để tư vấn, thậm chí truy bài các bác sĩ ở cơ sở về ca bệnh cũng như phương pháp điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết việc kết nối khám, chữa bệnh từ xa đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là bệnh nhân. Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ tuyến trên hội chẩn từ xa phẫu thuật thành công mà không phải chuyển người bệnh lên tuyến trên điều trị. Thực hiện Đề án khám chữa, bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai các hoạt động Telehealth qua hệ thống Polycom, Zoom bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Hội chẩn hồ sơ bệnh án từ xa, báo cáo ca hội chẩn lâm sàng từ xa, cập nhật kiến thức, kỹ thuật chuyên môn mới, cập nhật chẩn đoán, điều trị từ xa... với các bệnh viện lớn, tuyến trên, như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương.

Tổng số buổi và số lượt người tham dự triển khai hoạt động Telehealth qua từng năm tăng lên. Trong 2 năm 2020, 2021 là 10 buổi với gần 100 người tham dự, năm 2022 là 34 buổi, nhưng đến năm 2023 là 37 buổi với 755 người tham dự. Ngoài việc hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên, các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh có thực hiện kết nối khám, chữa bệnh từ xa để đưa ra hướng xử lý phù hợp cho từng trường hợp bệnh.

Những buổi học lâm sàng quý báu

PGS-TS-bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: “Năm 2020, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai chương trình hội chẩn trực tuyến đầu tiên với tên gọi Telehealth. Từ khi triển khai đến nay, hàng ngàn bệnh nhân được hội chẩn, rất nhiều bài học y khoa qua các báo cáo lâm sàng là bài học quý báu cho nhân viên y tế. Đây là một hình thức học tập mới vững vàng cả về lý thuyết lẫn thực hành, góp phần xóa khoảng cách y tế”.

Trên thực tế, khám, chữa bệnh từ xa mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế. Bác sĩ CKI Dương Thế Anh, Trưởng khoa ngoại thận tiết niệu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Mỗi buổi khám, chữa bệnh từ xa không chỉ giúp các bác sĩ tuyến dưới có hướng xử lý ngay với từng bệnh nhân, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, mà thông qua các cuộc trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của ngành y tế”.

 Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh từ xa là một trong những mục tiêu, giải pháp mà đề án phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh hướng tới. Theo đó, ngành hướng đến xây dựng 100% bệnh viện tuyến huyện tham gia mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa, đẩy mạnh phát triển y tế từ xa với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin khám, chữa bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, Telehealth, ê kíp kỹ thuật chuyên môn và nhóm trao đổi thông tin liên tục trong hệ thống.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=486
Quay lên trên