Bình Dương đang tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ thông minh, hoàn thiện mô hình hợp tác “3 nhà” (Nhà nước - nhà trường-nhà doanh nghiệp). Có thể thấy, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương là một tiến trình, hiện Bình Dương đang có những lợi thế nhất định để xây dựng thành phố thông minh nhanh và hiệu quả.
Thuận lợi nhiều, thách thức không ít
Với đặc thù của một đô thị công nghiệp, đô thị Bình Dương hiện sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi, liên kết tốt với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng, như trung tâm tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, đô thị công nghiệp Đồng Nai, đô thị dịch vụ cảng biển Vũng Tàu. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông liên kết các đô thị được xác lập thông qua các tuyến đường như Quốc lộ 13, ĐT741, ĐT744… đóng vai trò liên kết đô thị trung tâm phía nam với các đô thị vệ tinh ở phía bắc của tỉnh. Trong khi đó, các tuyến đường vành đai theo hướng đông - tây như đường vành đai 3, đường vành đai 4… đóng vai trò kết nối các đô thị trung tâm ở phía nam và đô thị vệ tinh ở phía bắc của tỉnh với nhau.
Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng đã được tỉnh đầu tư phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh đã phát triển được 20 tuyến xe buýt với tổng chiều dài 714km, số phương tiện hoạt động là 223 xe. Theo định hướng quy hoạch đến năm 2020, tỉnh sẽ phát triển 11 tuyến xe buýt, giai đoạn 2021- 2025 là 15 tuyến, sau năm 2025 thêm 14 tuyến, đồng thời khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường.
Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Bên cạnh phát triển của mạng lưới giao thông, mạng lưới bưu chính viễn thông của tỉnh cũng phát triển rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu gửi, nhận bưu phẩm, bưu kiện của người dân, doanh nghiệp trên địa tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 2.272 trạm BTS; mạng cáp quang đã triển khai đến 100% số xã, vùng dân cư…
Rõ ràng việc xây dựng thành phố thông minh Bình Dương đang có nhiều thuận lợi về cơ sở hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp khiến hệ thống giao thông trong tỉnh phải đối diện với áp lực về phương diện giao thông hạng nặng hoạt động liên tục, dẫn đến các tuyến đường dễ bị hư hỏng, chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ tốn kém.
Theo Thạc sĩ - Kiến trúc sư Huỳnh Kim Pháp, giảng viên khoa Kiến trúc trường Đại học Thủ Dầu Một, bản chất về sản xuất công nghiệp có thể đưa ra được giá trị về vật chất thì thách thức về môi trường cũng rất đáng được lưu tâm. Hiện công nghiệp xanh, thân thiện môi trường đã và đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam triển khai và áp dụng vào các khu công nghiệp. Mặc dù vậy, việc giám sát và phân tích môi trường đô thị trước sự tác động của chất thải công nghiệp là một vấn đề rất quan trọng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các đô thị công nghiệp, công ty đầu tư công nghiệp không làm đúng quy trình bảo vệ môi trường đã góp phần gây hại cho môi trường, khó khắc phục trong một sớm một chiều, thậm chí không thể khắc phục được. Mặt khác, nguồn năng lượng phục vụ sản xuất công nghiệp rất là lớn, nếu không đặt vấn đề tối ưu hóa trong công nghệ, chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng, cân bằng năng lượng sản xuất công nghiệp và đô thị thì không thể bảo đảm tiêu chí về mặt năng lượng thông minh.
Thời gian qua, để phát triển công nghiệp, Bình Dương đã huy động một lực lượng lao động rất lớn. Dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có trên 1,060 triệu lao động, chiếm hơn 60% dân số đô thị. Mặc dù vậy, nhiều lao động làm việc tại Bình Dương có trình độ không cao, họ đến từ nhiều địa phương trong cả nước vì mục đích mưu sinh. Do đó, việc duy trì ổn định và nâng cao dân trí cho lực lượng này là vấn đề vô cùng quan trọng đối với tỉnh trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh.
Góp thêm giải pháp xây dựng đô thị thông minh
Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 2.164.000 người dân sinh sống, trong đó dân số thành thị chiếm khoảng 76,8%. Hiện tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 82%, đứng thứ 4 cả nước. Tỉnh có dân số tăng cơ học nhanh, hiện có 52% dân số là người ngoài tỉnh. |
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, đô thị Bình Dương mặc dù đang trên đà phát triển mạnh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đề xuất xây dựng đô thị thông minh tại Bình Dương, Kiến trúc sư Văn Công Quang Hiếu, Sở Xây dựng, cho rằng việc đầu tiên cần làm là phải đổi mới phương thức lập và nghiên cứu quy hoạch. Theo đó, phương pháp quy hoạch phải dựa trên các phân tích đánh giá của cơ sở dữ liệu dùng chung để đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lực về đất đai, năng lượng và các nguồn lực tự nhiên khác; sử dụng hiệu quả hơn nguồn lưc công cộng, bảo tồn các giá trị lịch sử, bảo đảm không gian cho giáo dục và nghỉ ngơi, hạn chế phát triển tràn lan và nâng cấp không gian đô thị…
Thạc sĩ - Kiến trúc sư Huỳnh Kim Pháp đề xuất, xây dựng thành phố thông minh cần 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (một thành phố được kết nối) tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố, như băng thông rộng, điện toán đám mây. Kết quả của giai đoạn này là băng thông rộng có dây và không dây trên toàn thành phố nhanh chóng được xây dựng, cung cấp các dịch vụ truy cập mạng tốc độ cao, hệ thống mạng được cải thiện. Ngoài ra, các mạng truy cập mở đã được triển khai để kết nối các cơ sở tín hiệu giao thông chuẩn bị cho việc xây dựng giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn hai (thành phố tùy biến) gồm xoay quanh các ứng dụng của thành phố, bao gồm dịch vụ công cộng thông minh và cảm biến bảo vệ môi trường, hướng đến việc quản lý những biến đổi của đô thị, chất thải sinh hoạt, hệ thống chiếu sáng đường phố, bãi đỗ xe thông minh… Giai đoạn ba là thành phố thông minh xây dựng nền tảng quản lý thành phố và cổng thông tin cộng đồng thông minh, để cuối cùng xây dựng một thành phố hoàn toàn thông minh. Điều cốt lõi là dù đầu tư phát triển đến đâu, yếu tố con người đô thị vẫn là thành phần trọng yếu.
PHƯƠNG LÊ