Khẩn trương giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm

Cập nhật: 02-07-2024 | 09:06:42

 Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp sơ kết tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công (ĐTC) 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực thực hiện của các đơn vị, địa phương. Đối với các công trình trọng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi họp

 Khẩn trương, chủ động

Tại buổi họp, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết 6 tháng đầu năm 2024 công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh được thực hiện quyết liệt với tinh thần “khẩn trương, chủ động”. Các ngành, các cấp đều quán triệt giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ưu tiên nguồn lực để thực hiện, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị, chủ đầu tư. Tỉnh đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn cho các công trình, dự án theo quy định, không để xảy ra tình trạng “vốn chờ công trình” ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Theo đó, tính đến ngày 27-6, giá trị giải ngân vốn ĐTC là 4.191 tỷ đồng, đạt 27,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 19,1% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao (6 tháng đầu năm 2023 đạt 21,4%). Tổng kế hoạch ĐTC các công trình trọng điểm năm 2024 được bố trí 17.568 tỷ đồng, chiếm 79,9% tổng kế hoạch vốn của tỉnh. Giá trị giải ngân các công trình trọng điểm đến nay là 2.819 tỷ đồng, đạt 16,1% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của tỉnh.

Theo ông Phạm Trọng Nhân, bên cạnh những kết quả đã đạt được, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến nay chưa đạt được kỳ vọng. Lượng vốn chưa giải ngân khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm, dẫn đến áp lực giải ngân trong những tháng còn lại là rất lớn để hoàn thành được mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từ đầu năm. Các công trình trọng điểm chưa bảo đảm được tiến độ như kế hoạch và cam kết của các chủ đầu tư từ đầu năm. Một số công trình, dự án đang bị “trượt” tiến độ từ 4 - 5 tháng so với kế hoạch đề ra.

Gỡ “điểm nghẽn” mặt bằng

Theo ông Phạm Trọng Nhân, việc giải ngân chậm là do khó khăn, vướng mắc chủ yếu về cơ chế, chính sách triển khai thực hiện trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. “Hiện nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn ĐTC. Nhiều dự án còn vướng mặt bằng, nhà thầu không thể triển khai đồng bộ, làm ảnh hưởng tiến độ thi công xây dựng công trình không đạt theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị chủ đầu tư có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Số vốn chưa giải ngân tập trung nhiều ở các công trình trọng điểm, dự kiến đến cuối quý III, quý IV mới có thể khởi công và giải ngân được kế hoạch vốn”, ông Phạm Trọng Nhân cho biết.

 Công trình cầu Bạch Đằng 2 qua sông Đồng Nai dự kiến khánh thành vào ngày 2-9 tới

Báo cáo tại buổi họp, ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (BQL), cho biết hiện nay BQL đang gặp khó khăn trong triển khai thực hiện dự án tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh về công tác giải phóng mặt bằng, đề nghị các địa phương liên quan hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận sự nỗ lực thực hiện công tác ĐTC của các đơn vị. Chỉ đạo thực hiện tiến độ các công trình trọng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Đối với dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Bắc Tân Uyên đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án bồi thường giải tỏa. Đối với dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; mở rộng Quốc lộ 13, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đối với dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh công tác thẩm định, công tác phê duyệt dự án phải hoàn thành trong tháng 7; đối với dự án xây dựng cầu Bạch Đằng 2, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để kịp khánh thành công trình vào ngày 2-9 tới.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Trong 6 tháng cuối năm, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC, nhất là vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch ĐTC năm 2024, cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân cao và bảo đảm phù hợp kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Kế hoạch đưa vào sử dụng đối với các tuyến đường trọng điểm Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh cần bảo đảm đúng tiến độ. Đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là liên quan đến việc di dời các công trình kỹ thuật.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên: Tính đến ngày 30-6, TP.Tân Uyên có tổng giá trị giải ngân ĐTC đạt 47% (trên 30% khối lượng kế hoạch thành phố đã ký cam kết với UBND tỉnh). Thời gian qua, TP.Tân Uyên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn ĐTC, trong đó quan trọng nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Thành phố quyết tâm hoàn thành kế hoạch ĐTC năm 2024 theo cam kết với UBND tỉnh.

Ông Võ Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An: 6 tháng đầu năm 2024, TP.Dĩ An có tổng giá trị giải ngân vốn ĐTC đạt 22,43% so kế hoạch được giao. Thành phố cam kết đến cuối năm 2024 tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đạt 95%. Riêng đối với dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đến nay thành phố đã chi trả 87% vốn đền bù (2.469/2.833 tỷ đồng), tiếp nhận mặt bằng 82,39%, tương ứng 277/430 trường hợp thu hồi đất. Hiện dự án còn nhiều trường hợp vướng giải tỏa, vướng trạm điện và trụ điện 3 pha. Trong những tháng còn lại của năm 2024, thành phố tập trung chi trả bồi thường bàn giao dứt điểm mặt bằng dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, gắn với công tác giải ngân khối lượng các công trình trong kế hoạch đầu tư công.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=454
Quay lên trên