Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Dù giàu hay nghèo ai ai cũng mong muốn cho con biết chữ để sau này đỡ tấm thân và giúp ích cho đời. Với gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên ở khu phố Khánh Long, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, dù gia cảnh mẹ góa, con côi, nhưng các con của chị đã nỗ lực học giỏi để có tương lai tươi sáng hơn.
Ngoài giờ học, em Trương Minh Quốc còn phụ giúp mẹ chăn bò Ảnh: A.SÁNG
Đường đời gập ghềnh
Con đường dẫn vào nhà chị Nguyên quanh co như cuộc đời đầy gian nan, trắc trở của chị. Căn nhà cấp 4, được xây dựng vào năm 2000 trống hoác, không có gì đáng giá. Tài sản quý giá nhất trong căn nhà này chính là 4 đứa con của chị. Dù gia đình nghèo khó, nhưng các em có tinh thần hiếu học nên lần lượt 3 đứa vào đại học, còn 1 đứa đang học lớp 12.
Ngày trước chị cũng có một gia đình đầm ấm hạnh phúc. 4 đứa con trai lần lượt ra đời, gia đình chị càng thêm rộn rã tiếng cười. Cũng trong năm 2000, khi nhà vừa xây xong, chồng chị đã bỏ đi biền biệt, chị như chới với giữa cuộc đời. Chị tâm sự, lúc đó đứa lớn nhất mới 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi. Một nách 4 con nhỏ, cùng với người mẹ già tật nguyền, gánh nặng cuộc đời đè lên đôi vai chị. Bản thân chị phải làm việc quần quật cả ngày để nuôi 6 miệng ăn. Thời gian này chị Nguyên làm công nhân ở xưởng gỗ. Đời người công nhân vất vả, tan ca người đã mệt nhoài chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi cho lại sức. Còn với chị Nguyên, nghĩ đến tương lai của con, chị như mạnh mẽ hơn, mỗi ngày chị làm việc 2 ca vậy mà vẫn không đủ trang trải chi phí cho cả gia đình. Dù bữa đói, bữa no nhưng chị quyết không cho các con nghỉ học. Bởi như lời chị nói “nghèo mà biết chữ là hơn, giàu không biết chữ như sơn phết vàng”.
Dáng người nhỏ nhắn, nhưng ở chị Nguyên có sức mạnh phi thường, tất cả cũng vì tương lai của các con. Chị không nề hà bất cứ việc gì, nếu có tiền nuôi con là chị không ngần ngại. Hiện tại chị làm ở Công ty Chí Hùng. Ngoài ra chị còn nhận nuôi bò rẻ cho bà con trong xóm. Mỗi ngày trên đường về nhà, gặp ve chai chị cũng lượm, có phân bò chị cũng nhặt. Chị tâm sự: “Vì con tôi có thể làm tất cả. Đời tôi đã vất vả rồi, tôi chỉ muốn cho con cái nghề để sau này lo cho bản thân và giúp ích cho đời”.
Gian nan đi tìm chữ
4 đứa con trai của chị Nguyên đứa nào gương mặt cũng sáng sủa, thông minh. Chỉ tội là vì nghèo nên các em không lớn nổi. Dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó, thiếu thốn mọi bề, nhưng các em đều học khá giỏi, hiện tại có 3 em đang học đại học, 1 em đang học lớp 12. Anh cả Trương Minh Hoàng, sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói mẹ của em đã tảo tần cả đời vì con nên các em cố gắng học giỏi để báo đáp công lao khó nhọc của mẹ.
Trong gia đình, nuôi 1 đứa con đã khó, trong khi 4 con của chị Nguyên đều tuổi ăn tuổi học, thì khó khăn càng tăng lên gấp bội. 3 đứa con lần lượt vào đại học, cuộc sống gia đình chị càng thêm lao đao. Với các em, đường đến giảng đường đại học vô cùng gian nan, vất vả. Vừa học, các em vừa làm thêm nhiều việc, nào là chạy bàn, giữ xe, dạy kèm… Em Trương Minh Vũ, sinh viên năm 3 trường Đại học Sư phạm TP.HCM, tâm sự: “Năm đầu tiên mấy anh em ở ký túc xá, nhưng do quy định về giờ giấc nghiêm ngặt, các em phải ra ngoài ở trọ để có rộng thời gian đi làm thêm. Mùa nào làm việc đó, chúng em không nề hà việc gì, miễn là công việc chân chính. Kiếm được đồng tiền từ sức lao động mình làm ra em càng thấm thía nỗi vất vả của mẹ và thương mẹ nhiều hơn”.
Nhà nghèo nhưng các con của chị Nguyên có truyền thống hiếu học. Em Trương Minh Quốc, hiện học lớp 12 của trường THPT Tân Phước Khánh, nhiều năm liên tục là học sinh giỏi. Cũng như các anh, dù áp lực học tập căng thẳng, nhưng em cũng thu xếp thời gian làm thêm phụ giúp mẹ, hoặc những buổi chiều rảnh rỗi em đi cắt cỏ, chăn bò.
Thương cho hoàn cảnh khó khăn của 4 anh em, hàng năm nhà trường đều miễn học phí cho các em và đề xuất Quỹ Bảo trợ trẻ em trao tặng học bổng, tặng xe đạp. Dù xã hội cùng chia sẻ, chăm lo nhưng vẫn không đủ để trang trải chi phí học tập. Hiện tại chị Nguyên đã vay vốn từ nguồn vốn cho sinh viên cho các con ăn học khoảng 100 triệu đồng.
Ngày chúng tôi ghé thăm, nhìn các em thật thương biết bao, các em ăn mặc giản dị, đúng chất của con nhà nghèo. Nhưng các em không tự ti, mặc cảm, các em luôn làm giàu kiến thức cho mình bằng cách nỗ lực học tập. Hoàng tâm sự: “Vào đại học, thấy nhiều bạn còn khó khăn hơn mình, em thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn nhiều so với các bạn ấy. Em chỉ mong mau chóng ra trường để mẹ bớt đi một phần gánh nặng”. Còn với chị Nguyên, bản thân chị cũng mang nhiều chứng bệnh như gai cột sống, thiếu máu não, đau khớp, vậy mà chị vẫn làm việc cần mẫn như con ong chăm chỉ. Với chị, tất cả cũng vì tương lai của các con!
Cô NGUYỄN THỊ NGỌC NĂM, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên):
Cả 4 anh em Trương Minh Hoàng đều là học sinh của trường THPT Tân Phước Khánh. Điểm chung ở các em là chăm ngoan, lễ phép, học giỏi. Các em rất có ý chí trong học tập và học đều các môn. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, các em rất thương yêu và dìu dắt nhau cùng tiến. Thật hiếm có trường hợp gia đình nào có truyền thống hiếu học đến như vậy. Nỗ lực của các em khiến cho thầy cô và học sinh rất khâm phục và xem đây là tấm gương tiêu biểu để những học sinh khác học tập, soi rọi lại bản thân mình.
A.SÁNG