Trước việc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) đang gia tăng tại một số nước, người dân tăng cường mua một số mặt hàng vật tư y tế như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, các loại thuốc tăng cường miễn dịch... Ngành chức năng tiếp tục khuyến cáo tình trạng đầu cơ, nâng giá, sản xuất, buôn bán khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn giả.
Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công thương chủ trì kiểm tra việc cung ứng khẩu trang tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh Ảnh: TIỂU MY
Xử lý nghiêm các vi phạm
Khảo sát của PV Báo Bình Dương tại một số nhà thuốc, siêu thị trên địa bàn tỉnh những ngày này cho thấy nhu cầu mua khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn của người dân rất lớn. Tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn, khi chúng tôi hỏi mua khẩu trang y tế và nước sát khuẩn thì được nhân viên ở đây cho biết không còn hàng để bán. Theo các nhân viên, dù giá bán khẩu trang cao hơn ngày thường do đại lý nâng giá nhưng hàng không đủ để bán.
Cùng với khẩu trang, nhu cầu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch, đặc biệt là dung dịch sát khuẩn, máy đo thân nhiệt… tăng đột biến những ngày qua. Khác với các nhà thuốc, cửa hàng, siêu thị, hiện trên mạng xã hội Facebook, Zalo, nhiều loại khẩu trang, thuốc sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt được quảng cáo, rao bán tràn lan, với mức giá khác nhau, từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng/hộp. Tại tài khoản H trên Facebook rao bán khẩu trang y tế, thuốc sát khuẩn, thuốc tăng cường sức khỏe nhập từ Mỹ. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn xem hóa đơn mua hàng chính hãng thì nhận được câu trả lời “không tin tưởng thì đừng mua hàng… chứ không có bill”.
Đáng chú ý, để trục lợi, một số đối tượng đã gia tăng sản xuất khẩu trang kém chất lượng hoặc đầu cơ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nâng giá bán khẩu trang y tế trên thị trường gấp 4 - 5 lần, thậm chí đến 10 lần so với ngày bình thường. Vừa qua, sau vụ việc xử lý đơn vị nâng giá bán khẩu trang lên nhiều lần tại TP.Thủ Dầu Một thì mới đây, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Công an TP.Dĩ An tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang trên địa bàn, kết quả đã phát hiện 15.000 cái khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ mang nhãn hiệu Famima và Ngô Trung. Qua đấu tranh, cơ sở khai nhận làm gia công cho các đơn vị chính hãng này, tuy nhiên chủ cơ sở đã không cung cấp được giấy tờ đơn vị chủ quản theo quy định. Vụ việc được giao cho Công an TP.Dĩ An thụ lý, tiếp tục xử lý.
Cần sự nỗ lực chung
Ông Trần Văn Tùng, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cho biết nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm nói trên lực lượng quản lý thị trường cùng với các cơ quan chức năng khác đã và đang có nhiều giải pháp kiểm tra, giám sát các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, cục đã giao các đơn vị trực thuộc chủ động nắm tình hình, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, chú trọng vào các mặt hàng thiết bị vật tư y tế, phục vụ chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, cục chỉ đạo giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, như đầu cơ, găm hàng, vi phạm về giá, về chất lượng hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Ông Tùng khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân cần thực hiện đạo đức kinh doanh, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, phát hiện và tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật. Cục cũng đã thông báo kết quả xử lý các vi phạm nhằm răn đe, phòng ngừa đến các cơ sở kinh doanh và thông tin đến người tiêu dùng.
Để bảo đảm nguồn hàng không bị đầu cơ, các nhà thuốc tây, siêu thị trên địa bàn tỉnh cam kết thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, không găm hàng, đầu cơ, nâng giá quá mức; cùng các cơ quan chức năng bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đại diện một số nhà thuốc tây cho biết gần đây có xuất hiện nhiều trường hợp đi mua gom hàng từ 10 hộp khẩu trang trở lên. Các nhà thuốc đã cảnh giác và hiện tại không bán cho những đối tượng này.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, vừa qua sở đã phối hợp các ngành làm việc với đơn vị sản xuất khẩu trang trên địa bàn. Đến nay, các đơn vị sản xuất khẩu trang đã hoạt động trở lại để cung cấp khẩu trang cho thị trường. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là do ngành nghề đặc thù nên các cơ sở sản xuất trước đây đã ký hợp đồng với các đơn vị, cơ sở y tế, do đó khi dịch bệnh bùng phát ở một số nước như thời điểm này họ không chủ động được nguồn nguyên liệu để gia tăng sản xuất. Đáng nói, hiện nguồn cung nguyên liệu tại một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng xảy ra dịch bệnh Covid-19 nên nguồn cung nguyên liệu cũng gặp nhiều khó khăn hơn trước. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã chủ trì làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam đặt khẩu trang vải kháng khuẩn sử dụng nhiều lần. Hiện sở đang chờ nguồn hàng tập đoàn dệt may giao để cung cấp cho thị trường.
Bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó dịch bệnh Covid-19 (nCoV) trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nhằm bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân ứng phó khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra gồm lương thực (gạo, nếp…), thực phẩm chế biến (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, bánh mứt, kẹo…), thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả…), mặt hàng xăng dầu, thuốc trị bệnh cho người với tổng giá trị hàng hóa dự kiến là 4.167,5 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh). Cụ thể, UBND tỉnh giao 12 doanh nghiệp (10 siêu thị) tham gia, gồm Chi nhánh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh Co.opmart Bình Dương (Siêu thị Co.opmart I, II), Công ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam - Bình Dương (Siêu thị Lotte), Công ty TNHH MTV Đông Hưng (Siêu thị Aeon Citimart Bình Dương), Công ty TNHH EB Bình Dương (Siêu thị Big C Bình Dương và Siêu thị BigC Dĩ An), Chi nhánh Công ty TNHH Mega Market Việt Nam tại Bình Dương (Siêu thị MM Mega Market), Công ty CP Thương mại Du lịch Bình Dương, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Cửa hàng thực phẩm Vissan Bình Dương), Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Bình Dương, Công ty TNHH Phạm Tôn, Công ty TNHH Ba Huân, Tổng Công ty TM XNK Thanh Lễ - CTCP. UBND tỉnh giao Sở Công thương tổ chức làm việc thống nhất với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, doanh nghiệp chủ động ký hợp đồng hàng hóa với nhà cung cấp, bảo đảm số lượng nguồn hàng hóa thiết yếu, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... |
TIỂU MY