Ngành logistics có vai trò quan trọng trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên phụ liệu, vật liệu của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Có thể nói, chi phí vận chuyển, kho bãi lưu trữ hàng hóa, nguyên phụ liệu... đã tạo ra áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn tham gia thị trường xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Tường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho biết đặc thù của ngành dệt may của nước ta là nhập nguyên phụ liệu và xuất hàng đi các thị trường. Do vậy, doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có thể kết hợp với nhau cùng làm ra sản phẩm để giảm cả về chi phí, thời gian và thủ tục. Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng mua nguyên phụ liệu tại một thị trường, có thể kết hợp mua chung, nhập thành lô hàng lớn sẽ giúp giảm đáng kể phí vận chuyển của doanh nghiệp. Chi phí logistics hiện đang chiếm tới gần 1/3 giá thành mỗi sản phẩm xuất, nhập khẩu dệt may. Nếu giảm được chi phí này, có nghĩa là ngành dệt may Việt Nam có thể tiết kiệm hơn 1 tỷ USD/năm.
Đại diện Công ty Cổ phần Dệt may 3-2 (Bình Dương) chia sẻ, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp may trong nước đều chưa đủ tiềm lực tài chính để mở rộng kho bãi phục vụ quá trình nhập khẩu nguyên phụ liệu và xuất khẩu hàng hóa. Do đó đã làm cho chi phí sản phẩm tăng lên, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm may mặc. Trong khi đó, hiện nay nhiều hãng tàu làm dịch vụ thu phụ phí cao, theo cách của họ thì một lô hàng có thể mất đến 100 USD, nhưng doanh nghiệp tự làm chỉ mất khoảng 15 USD. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là vấn đề lớn. Do vậy, các doanh nghiệp chủ động liên kết tạo thành chuỗi, bằng cách liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Việc hợp tác này buộc các doanh nghiệp may tại Bình Dương sẽ phải hợp tác, liên kết với nhau... để giảm chi phí vận chuyển, lưu bãi.
Logistics ngày càng có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bình Dương đã sớm quy hoạch ngành logistics để đón đầu xu thế hội nhập. Hiện Bình Dương đã có hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước làm dịch vụ logistics, với đa dạng loại hình phục vụ như kho bãi, cảng trung chuyển, bốc dỡ hàng hóa đường sông, đường bộ... Ngành may mặc tỉnh nhà cũng đang có kế hoạch bắt tay với ngành logistics để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là tín hiệu tốt cho ngành dệt may Bình Dương nói riêng , các ngành công nghiệp khác của tỉnh nói chung.
HOÀNG PHONG