Trong số 800 vụ vi phạm về thương mại đã được lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh xử lý trong năm 2016, có 27 vụ vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Theo các chuyên gia, cuộc chiến chống tình trạng vi phạm quyền SHTT trong thời gian tới sẽ còn nhiều gian nan, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành, doanh nghiệp.
Lực lượng chức năng xử lý một vụ vi phạm SHTT trên áo sơ mi giả nhãn hiệu Việt Tiến. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Vi phạm SHTT diễn ra trên nhiều lĩnh vực
SHTT có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các hành vi xâm phạm quyền SHTT đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ tác phẩm văn hóa - nghệ thuật, phần mềm máy tính đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý... Một vụ việc điển hình về trường hợp vi phạm quyền SHTT trong năm qua tại Bình Dương là vụ khiếu nại của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú, về việc Công ty Tân Đại Dương đã làm sản phẩm nhái thương hiệu Sắc Ngọc Khang của công ty, với tên là Sắc Ngọc Gia Khang. Đây là vụ vi phạm về kiểu dáng và nhãn hiệu, tên thương mại.
Trên thị trường hiện nay, xâm phạm quyền kiểu dáng công nghiệp còn xảy ra trong ngành thời trang. Điển hình là gần đây, đã xảy ra vụ việc áo sơ mi giả nhãn hiệu Việt Tiến. Còn mới đây, lực lượng QLTT tỉnh đã tổ chức tiêu hủy hàng hóa, trong đó có nhiều chiếc túi của hãng thời trang nổi tiếng X nhưng là hàng nhái loại 1, loại 2…
Những năm qua, một trong những điều kiện thuận lợi cho hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT phát triển mạnh là do nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức tốt trong việc phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Lý giải về vấn đề này, đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho rằng việc công bố sản phẩm bị làm giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, khiến người tiêu dùng không muốn mua hàng của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp còn lo ngại, nếu công bố đặc điểm phân biệt hàng thật, hàng giả, đối tượng gian lận sẽ biết được đặc điểm hàng thật để tiếp tục sản xuất hàng giả.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cuộc chiến chống hàng giả sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hợp tác, cung cấp thông tin, chứng cứ của doanh nghiệp. Cụ thể, sản phẩm mỹ phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú trong một thời gian đã bị làm giả tên, bao bì sản phẩm, nhưng nhờ bộ phận chống hàng giả của doanh nghiệp liên tục đi giám sát thị trường, tuyên truyền khắp nơi nên đạt được kết quả tốt, hàng giả đã giảm.
Trách nhiệm chung
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, cho biết doanh nghiệp là chủ sở hữu quyền, chủ sở hữu hàng hóa của mình, là người hiểu rõ hàng hóa của mình hơn ai hết. Cho nên doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hoặc không quan tâm bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Khi sản phẩm bị làm giả, một số doanh nghiệp còn thờ ơ khi được yêu cầu hợp tác cung cấp thông tin, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của ngành chức năng.
Hiện nay, nhiều mặt hàng xâm phạm quyền SHTT, sở hữu công nghiệp (SHCN) được làm nhái hết sức tinh vi, có khi ngay cả cơ quan chức năng cũng khó nhận diện được đâu là thật, đâu là giả và ranh giới giữa hàng giả, xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể, ngay trong quá trình kiểm tra, phát hiện nghi ngờ là hàng giả, do chưa có cơ sở dữ liệu để có thể cung cấp những thông tin cấp thiết nên các cơ quan thực thi thường gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm chủ SHTT để liên hệ việc giám định hàng hóa. Có trường hợp, một số mặt hàng xác định là giả, đã tạm giữ nhưng không tìm ra người đại diện SHCN tại Việt Nam nên phải trả lại hàng. Một khó khăn nữa là, văn bản quy phạm pháp luật về hàng giả, xâm phạm các quyền, cạnh tranh không lành mạnh còn có nhiều nội dung chồng chéo, trùng lắp nên khó áp dụng hoặc dễ dẫn đến không thống nhất giữa các lực lượng phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Theo ông Danh, công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm các quyền đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan phải triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, doanh nghiệp cần phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT hoặc có đại diện SHTT của doanh nghiệp mình; chủ động phối hợp, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho các cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả và vi phạm SHTT; cùng với đó áp dụng các biện pháp bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của mình tránh bị làm giả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền SHTT; đồng thời cần phân biệt rõ ràng giữa chế tài hành chính, hình sự giữa giả nội dung và giả về hình thức, giữa văn bản quy phạm pháp luật chung và hệ thống luật chuyên ngành...
TRÚC HUỲNH