Đến thăm showroom Mây tre lá Ngọc Bích (phường Lái Thiêu, TX.Thuận An) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước độ tinh xảo, độc đáo của những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, lá…
Duy trì nghề truyền thống
5 năm trước, đôi vợ chồng thế hệ 7X đã mày mò giới thiệu với khách trong, ngoài nước mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây, tre, lá. Tất cả bằng niềm đam mê và không muốn nghề truyền thống của cha ông bị mai một. Đó là anh Trịnh Đình Ngọc, sinh năm 1974, quê Thanh Hóa cùng vợ là Lê Thị Bích, sinh năm 1975. Là người lớn lên ở Bình Dương nên chị Bích biết rất rõ nguồn nguyên liệu, nhân công để làm mây, tre, lá.
Đến nay, sau 5 năm gặp lại, từ một cửa hàng nhỏ trên đại lộ Bình Dương đoạn đi qua phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, vợ chồng chị Bích đã phát triển thêm một cửa hàng tại phường Phú Hòa (cũng trên đại lộ Bình Dương), TP.Thủ Dầu Một và một showroom trưng bày hàng mây, tre, lá độc đáo tại phường Lái Thiêu, TX.Thuận An.
Các mặt hàng mây, tre, lá tại Showroom Ngọc Bích. Ảnh: QUỲNH NHƯ
Tại showroom Mây tre lá Ngọc Bích, cả cửa hàng và nhà ở đều được làm bằng tre. Ngay cả chiếc cầu thang bằng sắt cũng được khéo léo giấu kín sau những đường đan bằng dây thừng và được trang trí thêm các họa tiết mây, tre, lá khiến cả công trình trở nên mềm mại, làm vui lòng khách đến tham quan, mua hàng. Chưa hết, nội thất từ nhà bếp đến phòng khách, phòng ngủ đều bằng mây, tre, nhưng không thiếu vắng sự hiện đại, tiện dụng.
Chị Lê Thị Bích, chủ nhân showroom này, cho biết ý tưởng làm một cửa hàng thật lớn để trưng bày hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Bình Dương đến với chị 3 - 4 năm nay. Có lúc tưởng như công trình này không thực hiện được bởi nó rất công phu, đòi hỏi trình độ thẩm mỹ cao, nhưng vợ chồng chị quyết tâm làm cho bằng được. “Mình từng đi làm quán cà phê, nhà hàng, nay làm căn nhà tre lá cho mình chẳng lẽ không được sao? Câu hỏi này thôi thúc tôi và cuối cùng tôi làm được căn nhà vừa đủ không gian sinh hoạt, vừa là nơi kinh doanh này”, chị Bích chia sẻ.
Khi chúng tôi đến showroom Mây tre lá Ngọc Bích, nhiều khách hàng đang lựa chọn những mặt hàng mà họ yêu thích. Về giá cả, tại đây salon từ 6 - 10 triệu đồng/bộ tùy loại, tùy độ tinh xảo của sản phẩm; tủ áo từ 2 - 5 triệu đồng/chiếc; các mặt hàng gia dụng khác có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng…
Đưa mặt hàng mây, tre, lá vươn xa
Showroom Mây tre lá Ngọc Bích là điểm đến của khách hàng từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… và khách nước ngoài yêu thích dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ này. Anh Ngọc - chồng chị Bích kể: “Hồi nhỏ, tôi thường thấy ông và ba mình đan từng cái rổ rá bằng tre để dùng. Mà không riêng tôi, những ai xuất thân từ những ngôi làng Việt đều thương nhớ đôi “triêng gióng” (quang gánh) của mẹ cũng làm từ mây, tre. Cái đòn gánh tre kĩu kịt trên vai mẹ đã “chở” biết bao giấc mơ tuổi thơ của những đứa trẻ khi mẹ đi chợ về”.
Nhu cầu tìm về với cội nguồn, thân thiện với thiên nhiên ngày càng nhiều nên vợ chồng chị Bích và hơn 10 nhân công ở 3 cơ sở luôn có việc làm ổn định. Đến nay, anh chị đã xuất hàng đi các nước Úc, Đức, Nhật, Malaysia… Cách kinh doanh của anh chị cũng khá lạ so với nhiều cơ sở khác: Không chăm chút trang web, mà chỉ chụp ảnh thô, mộc của showroom đưa lên nên khi khách đến mua hàng họ… choáng với sự phong phú của các mặt hàng. Chị Bích nói: “Làm như vậy khách mới tin tưởng, mới đến nhiều lần nữa. Chứ mình quảng bá rầm rộ, đẹp đẽ trên trang web mà khi khách đến thấy không giống hình ảnh đăng trên web thì họ thất vọng ngay, nhất là với khách nước ngoài!”.
Chị Bích cũng tâm sự rất chân tình rằng, kinh doanh hàng mây tre lá phải biết “choàng gánh” các mặt hàng cho nhau. Ví như có những sản phẩm chị tính toán lại tiền nguyên liệu, nhân công… sẽ lỗ nhưng vẫn không cắt nguồn hàng nhập về, bởi như thế nhân công sẽ hụt thu nhập, lương thấp hơn những người khác. Để những mặt hàng vẫn hiện diện trong showroom, đôi khi chị vẫn chấp nhận chịu lỗ và lấy tiền từ thi công các nhà hàng, quán cà phê cho khách bù qua sớt lại.
Từ niềm đam mê, chịu khó và luôn hướng về khách hàng, vợ chồng chị Bích đã thành công như ngày hôm nay.
Ngoài kinh doanh mặt hàng này, vợ chồng chị Bích còn nhận thi công trang trí nhà hàng, quán cà phê… Nói về nghề của mình, anh Ngọc - chồng chị, chia sẻ: “Tôi mê những thứ giản dị mà đẹp đẽ được đan bằng mây, tre hay thân lục bình phơi khô và mong muốn nghề truyền thống này không mai một. Doanh nghiệp Mây tre lá Ngọc Bích đã tạo việc làm cho hàng chục người với thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/tháng”.
QUỲNH NHƯ