Khởi sắc trên quê hương nông thôn mới

Cập nhật: 03-02-2017 | 07:55:44

Huyện Dầu Tiếng là địa phương đầu tiên của Bình Dương hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là địa bàn chủ yếu trồng cây cao su và sản xuất nông nghiệp. Mùa xuân này về với đất cao su càng mang nhiều ý nghĩa khi Dầu Tiếng vừa được công nhận đạt chuẩn NTM.

Hạ tầng giao thông liên hoàn

Đến Dầu Tiếng những ngày đầu xuân, chúng tôi chợt nhớ đến câu thơ: “Em có nghe Dầu Tiếng ngát hương hoa/Rừng cao su bạt ngàn xanh màu lá/ Đất cho hoa, cho nhà, cho tất cả/Chớ đi đâu kẻo lại nhớ bóng trăng tà”, có lẽ cũng nói lên được sự đổi thay của vùng đất bạt ngàn cao su này. Về Dầu Tiếng hôm nay, mọi người sẽ thấy rõ hệ thống hạ tầng giao thông nơi đây hoàn thiện, kết nối các vùng sâu trong huyện với thị trấn Dầu Tiếng với các đô thị mới của Bình Dương và tỉnh Tây Ninh. Trong giai đoạn 2011-2015, đã có hơn 710 tuyến đường được xây dựng, chỉnh trang với tổng chiều dài gần 1.000km, cho thấy hạ tầng giao thông là vấn đề then chốt và cốt lõi trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mà huyện Dầu Tiếng đã nỗ lực hoàn thành.

Huyện nông thôn mới Dầu Tiếng khởi sắc. Ảnh: XUÂN THI

Ông Trần Minh Tâm, người dân ở xã Minh Hòa, phấn khởi cho biết đường sá thuận lợi, giao thông thông suốt đã mở ra rất nhiều cơ hội cho người dân Dầu Tiếng. Những con đường liên ấp, liên xã, liên huyện đã mở toang cánh cửa cho hàng hóa giao thương thuận lợi, giúp người nông dân dễ dàng tiêu thụ hàng nông sản. Không những thế, những tuyến đường huyết mạch tại Dầu Tiếng còn nối liền với các khu công nghiệp (KCN) Bàu Bàng, Mỹ Phước, An Tây… giúp con em người nông dân có thêm việc làm từ các KCN mà tỉnh đã dày công xây dựng.

Một minh chứng khác của sự thành công trong việc xây dựng NTM ở huyện Dầu Tiếng chính là đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Cụ thể là đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 36 triệu đồng; số hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh chỉ còn 280 hộ, giảm hơn 15% so với năm 2010. Điều đáng nói, các tiêu chí xây dựng NTM của Dầu Tiếng không chỉ đơn thuần chạy theo các chỉ tiêu xây dựng NTM do Trung ương quy định, mà quan trọng hơn những tiêu chí hoàn thành đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Cụ thể như cơ sở hạ tầng được hình thành trong quá trình xây dựng NTM của Dầu Tiếng đã chứng tỏ được giá trị của mình. Điển hình, dạo quanh khu vực có chợ được xây dựng tại các xã Thanh Tuyền, Thanh An… mọi người sẽ dễ dàng nhận ra không khí mua bán ở đây trở nên sôi động và tấp nập hơn trước rất nhiều. Điều này giúp các xã còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch kinh tế theo hướng thương mại- dịch vụ.

Nâng cao các tiêu chí đã đạt

Ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cho biết UBND tỉnh Bình Dương rất linh hoạt và năng động trong công tác xây dựng NTM; tùy hoàn cảnh địa phương mà có những chiến lược hợp lý.  Chẳng hạn như huyện Dầu Tiếng, kinh tế lệ thuộc vào cây cao su, sẽ gặp khó khăn trong xây dựng NTM khi mủ cao su biến động, rớt giá. Bình Dương đã rất khôn khéo chọn lựa những hướng đi thích hợp, chuyển đổi cây trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại huyện Dầu Tiếng… để địa phương này từng bước vượt khó, hoàn thành xuất sắc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. 

Nói đến Dầu Tiếng là nói đến rừng cao su bạt ngàn, ngành nông nghiệp của huyện phần lớn phụ thuộc vào cây cao su. Những năm gần đây, giá mủ cao su liên tục giảm khiến cho mục tiêu xây dựng NTM của huyện Dầu Tiếng gặp không ít khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, huyện Dầu Tiếng đã vận động tốt mọi nguồn lực tại chỗ để thực hiện hoàn thành xuất sắc mục tiêu xây dựng NTM. Chỉ riêng trong năm 2016, người dân đã đóng góp 65 tỷ đồng, các doanh nghiệp đóng góp 200 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm hơn 20% trong tổng vốn số đầu tư để huyện Dầu Tiếng xây dựng NTM.

Tuy vậy, theo lãnh đạo huyện Dầu Tiếng, những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM đến nay mới chỉ là bước đầu, để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và xây dựng nông thôn văn minh thì còn cả chặng đường dài để phấn đấu. Vì vậy, giai đoạn 2016-2020, Dầu Tiếng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM theo hướng nâng cao các tiêu chí đã đạt được, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Một thuận lợi cho huyện Dầu Tiếng trong xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là hiện nay Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đang thực hiện một số dự án liên quan tới nông nghiệp công nghệ cao như trồng chuối, xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 2.000 ha... để từng bước giảm dần sự lệ thuộc vào giá mủ cao su, cũng như định hướng người nông dân chuyển sang mô hình nông nghiệp hiện đại để nâng cao thu nhập.

Điều đáng quan tâm hơn, chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Dầu Tiếng đang được các địa phương trong huyện và người dân quan tâm. Điển hình như xã Thanh Tuyền cũng bắt đầu có bước chuyển hướng mạnh mẽ từ quá trình xây dựng NTM. Thanh Tuyền vốn là xã thuần nông, có gần 120 ha cây ăn trái như măng cụt, chôm chôm, bòn bon... Tuy nhiên, những năm trước đây các loại cây ăn trái này mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Từ thực tế này, huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo các ngành liên quan và xã Thanh Tuyền thực hiện dự án phát triển cây măng cụt gắn liền với du lịch. Theo đó, hơn 200 ha lúa năng suất thấp, cùng với một phần diện tích cao su không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Thanh Tuyền đã được chuyển sang trồng cây măng cụt. Đến nay, toàn xã có hơn 200 ha măng cụt. Trái măng cụt Thanh Tuyền trở thành đặc sản của vùng quê Dầu Tiếng. Người nông dân nơi đây đã có thêm thu nhập ổn định từ cây măng cụt, tiếp tục đóng góp công sức, tiền bạc của mình vào việc xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết UBND huyện đã chỉ đạo các xã trong thời gian tới cần lm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền trong nhân dân để xây dựng NTM thật sự trở thành một phong trào lan tỏa đến từng người dân; để người dân nhận thức đầy đủ, chính xác về vai trò của mình trong xây dựng NTM. Huyện cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn huyện chung sức xây dựng NTM”.

 Ông Nguyễn Văn Tỵ, người dân xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, hơn 10 năm trước gia đình thuộc dạng hộ nghèo của huyện Dầu Tiếng, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào ruộng lúa cho năng suất rất thấp. Không cam chịu hoàn cảnh, ông đã thử nghiệm trồng cây măng cụt. Hợp phong thổ, khí hậu, trái măng cụt của gia đình ông cho lứa quả đầu tiên chất lượng tốt. Nhờ đường sá thuận lợi, thương lái từ TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận đã đến trực tiếp nhà ông thu mua trái măng cụt. Hiện nay, với hơn 200 gốc măng cụt, bình quân mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình ông hơn 120 triệu đồng. Nhờ đó, từ hộ nghèo, gia đình ông đã vươn lên hộ khá giả của xã Thanh Tuyền. Năm nay gia đình ông đã có cái tết đầm ấm bên vườn măng cụt, chung niềm vui với huyện nhà hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

 

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1197
Quay lên trên