Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế!

Cập nhật: 26-08-2016 | 08:34:50

 Theo báo cáo, trong số 283 khu công nghiệp và 625 cụm công nghiệp của cả nước chỉ có 55% đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, những số liệu về chất thải rắn, chất thải sinh hoạt chưa được xử lý hoặc được xử lý đốt bằng phương pháp thủ công đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường vừa được tổ chức một lần nữa cho thấy, vấn đề môi trường tiếp tục được Chính phủ lên tiếng cảnh báo.

Hiện nay, có không ít địa phương trong cả nước bất chấp những tổn hại lâu dài về môi trường, mở rộng cửa đón các nhà đầu tư mà không qua quá trình giám sát, tham khảo hệ thống máy móc, dây chuyền, công nghệ sản xuất. Những bất cập này đã gây ra tác hại rất lớn đến môi trường xung quanh. Tại hội nghị, có đại biểu đã bức xúc nói: Nếu không giám sát chặt chẽ về môi trường, tương lai 1 đồng thu hút đầu tư sẽ phải bỏ ra 3 đồng để khắc phục những hậu quả gây ra cho môi trường.

Trong khi đó, những tổn hại về mặt môi trường phải mất đến hàng chục năm mới có thể khắc phục. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến nói trên: “Chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi cách, không chấp nhận những ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều tài nguyên, gây nhiều tác hại đến môi trường. Không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế”.

Bình Dương là tỉnh có công nghiệp phát triển nhanh. Những năm gần đây, nhận thức rõ nguy cơ tác hại về môi trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của tỉnh nhà, Bình Dương đã sớm có chiến lược điều chỉnh, định hướng sản xuất công nghiệp cho phù hợp với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Có thể nói, việc di dời, mở rộng các khu công nghiệp về phía bắc của tỉnh; hạn chế thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nặng gây tổn hại môi trường hay từ chối những dự án sản xuất bằng công nghệ cũ… cho thấy Bình Dương luôn ý thức về việc bảo vệ môi trường. Cùng với đó, nền nông nghiệp cũng được tỉnh quan tâm bằng những chế độ, chính sách ưu đãi…

Phát triển công nghiệp nhưng không quên tạo lập nền nông nghiệp hiện đại, làm “vành đai xanh” bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà; không đánh đổi môi trường bằng lợi ích kinh tế chính là con đường giúp Bình Dương tiếp tục trở thành điểm sáng trong phát triển bền vững của cả nước.

HOÀNG PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên