Ngày 17/6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 24 tháng tù giam đối với bà Ngụy Thị Khanh – cựu Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID về tội trốn thuế theo Điều 200, Bộ luật Hình sự.
Ngay sau đó, một số cá nhân, tổ chức thù địch, chống đối đã tung ra nhiều bài viết với thông tin không chính xác, bẻ lái theo hướng tiêu cực, tạo cớ can thiệp vào công việc của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam, đả kích chính quyền.
Những luận điệu ngụy biện, trái bản chất
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị được dịp hùa vào “ăn theo”. Tổ chức Việt Tân xuyên tạc, suy diễn khi cho rằng “chính quyền bỏ tù các nhà hoạt động môi trường”, rồi kêu gọi Việt Nam “trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh”. Đài Á Châu tự do (RFA) đăng bài viết “Giám đốc xã hội dân sự Green ID bị bắt với cáo buộc trốn thuế”, tung ra những thông tin lập lờ nhằm đánh lận bản chất vụ án. Thay vì đưa thông tin đúng về vụ việc, RFA lại dẫn dắt người đọc đến các vấn đề “xã hội dân sự”.
Họ liên hệ sự vụ trên với việc ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC) và ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD) phải chấp hành án phạt tù với tội danh trốn thuế để quy kết, vu cáo chính quyền “đàn áp nhà hoạt động môi trường”.
Bất chấp thực tế Ngụy Thị Khanh có hành vi trốn thuế, những kẻ lấy vỏ bọc các nhà “dân chủ”, “nhân quyền” cố tình phớt lờ sự thật để xuyên tạc, suy diễn vấn đề, vẽ ra các “thuyết âm mưu”, hướng lái dư luận về bản chất vụ việc, dựng chuyện chính quyền “bắt bớ người vô tội” để “ngăn chặn các tổ chức dân sự”.
Từ câu chuyện của Green ID, MEC và LPSD, chúng ta dễ nhận thấy các đối tượng tự xưng “nhà dân chủ” đang cố tình lợi dụng vấn đề "xã hội dân sự" để bao biện cho hành vi sai phạm, tạo cớ đả phá chính quyền nhân dân.
Thực tế, trong nhiều năm qua, các đối tượng xấu, phần tử cơ hội đã ráo riết thực hiện chiêu trò "xã hội dân sự" để chống phá đất nước. Lợi dụng quyền tự do lập hội được quy định trong Hiến pháp, các đối tượng thực hiện tuyên truyền đánh lận bản chất vấn đề nhằm hình thành các tổ chức tự phát, không theo quy định của pháp luật. Thông thường khi mới thành lập, các tổ chức này sẽ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, rêu rao “hoạt động phi lợi nhuận”, “thúc đẩy sự phát triển của xã hội”… để đánh bóng tên tuổi, tìm mọi phương thức tập hợp lực lượng chống đối từ bên trong và móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài. Sau khi có đủ khả năng về nhân lực và vật lực, số tổ chức, cá nhân này sẽ “thay màu”, lộ rõ bộ mặt thật không chỉ dừng lại ở vấn đề dân sự mà tìm cách “thò tay” can thiệp, lấn sâu tập trung đả phá vấn đề chính trị.
Với thủ đoạn “nội công ngoại kích”, mục đích của số đối tượng trên nhằm gây phân tâm dư luận, tìm mọi cách gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá cơ quan công quyền, tìm kiếm những tác động từ bên ngoài hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; cố tình đánh lận, dựng chuyện hòng làm giảm vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa.
Hoạt động vì môi trường không thể bất tuân pháp luật
Không riêng Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng có những quy định hết sức chặt chẽ liên quan đến thuế. Tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm thì người phạm tội sẽ phải chịu những chế tài tương ứng. Trên thế giới, những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực bị bắt, bị phạt về tội trốn thuế không phải là chuyện hiếm gặp. Ví dụ như trường hợp năm 2017, một công tố viên tại Tây Ban Nha đã cáo buộc Cristiano Ronaldo 4 tội trốn thuế về tiền bản quyền hình ảnh trong khoảng thời gian gắn bó với Real Madrid từ năm 2011 tới 2014 với tổng số tiền lên tới 14,7 triệu euro. Cầu thủ bóng đá Lionel Messi cũng bị kết án 21 tháng tù treo do 3 lần trốn thuế từ khoản thu nhập 4,1 triệu euro bản quyền hình ảnh từ năm 2007 đến 2009.
Huấn luyện viên bóng đá Jose Mourinho của Manchester United vào đầu tháng 9/2018 cũng dính cáo buộc vì hành vi trốn thuế 3,3 triệu euro. Nữ diễn viên người Hàn Quốc Song Hye Kyo, diễn viên nổi tiếng người Trung Quốc Lưu Hiểu Khánh, Phạm Băng Băng cũng dính dáng đến tội danh trốn thuế… Điều đó cho thấy rằng, bất kể ở quốc gia nào, nếu trốn thuế, phạm pháp thì phải chịu các biện pháp xử lý tương ứng. Không có chuyện cá nhân nổi tiếng là được miễn tội trốn thuế khi vi phạm pháp luật ở nước sở tại.
Đối với tội trốn thuế, đây là hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng. Tội trốn thuế đã được sửa đổi về số tiền trốn thuế trong Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất là 7 năm tù và phạt tiền có thể lên tới 4,5 tỷ đồng. Việc khởi tố, xét xử với bản án 24 tháng tù đối với bà Ngụy Thị Khanh về tội danh trốn thuế là việc làm hoàn toàn bình thường của cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Quá trình điều tra, xét xử được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Phiên tòa được diễn ra công khai, bị cáo được bảo đảm đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật.
Trước khi bị khởi tố, tuyên án tù, bà Ngụy Thị Khanh là Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID - Trung tâm chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng và tích cực tham gia tư vấn, góp ý về các lĩnh vực quy hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và cung cấp nước sạch. Bà Ngụy Thị Khanh cũng được biết đến là “nhà hoạt động môi trường” khá nổi tiếng trên mạng xã hội với những phát ngôn táo bạo, trái chiều. Lẽ ra, với sự nổi tiếng của bản thân, bà Ngụy Thị Khanh càng phải có việc làm đúng quy định pháp luật để nêu gương. Thế nhưng bà Khanh lại có hành vi trốn thuế và việc bị kết án về tội danh này là căn cứ vào hồ sơ, tài liệu và quá trình xét xử tại tòa.
Các thế lực thù địch, thiếu thiện chí cố liên hệ sự việc của bà Ngụy Thị Khanh với những trường hợp ông Đặng Đình Bách, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), đã bị kết án 5 năm tù về tội “trốn thuế” vào tháng 1/2022; ông Mai Phan Lợi và ông Bạch Hùng Dương, lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng, lần lượt bị tuyên án 4 năm tù và 2 năm 6 tháng tù với cùng tội danh trên để vu cáo chính quyền Việt Nam “đàn áp những lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự”.
Thực tế, cũng như bà Ngụy Thị Khanh, trường hợp các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương đều được điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định pháp luật, với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan. Do vậy, không thể biện minh, cổ súy cho hành vi sai trái ấy bằng những luận điệu lố bịch, lời lẽ vô lý, xảo trá, càng không thể đưa ra bất kỳ yêu cầu nào để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam như cái cách mà các thế lực thù địch, phản động, số tổ chức, cá nhân chống đối đang làm.
Việt Nam luôn cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp tổng thể và toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và tuần hoàn. Điều này đã được nêu rõ trong nhiều văn bản pháp luật, chủ trương và chính sách của Việt Nam.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang điện sạch và Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.
Đảng, Nhà nước tiến hành thường xuyên và rộng rãi việc tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức phi Chính phủ và các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Những tổ chức hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển xanh ở Việt Nam đã tham gia và có những đóng góp tích cực đều được ghi nhận. Đồng thời, chúng ta cũng xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng danh nghĩa xã hội dân sự, bảo vệ môi trường để gây mất trật tự xã hội, vi phạm luật pháp.
Liên quan đến vụ việc trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Ngụy Thị Khanh bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế và đã thừa nhận hành vi này. Một số ý kiến suy diễn cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động và ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở và không đúng với bản chất của vụ việc”.
Theo CAND