Không tô hồng thành tích, không chủ quan, thỏa mãn nhưng cũng không bôi đen bức tranh kinh tế - xã hội, đó là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta khi đánh giá tình hình, xây dựng các nghị quyết, kế hoạch phát triển. Vậy mà một số người do không hiểu hoặc cố tình không hiểu vẫn phát biểu trên một số trang mạng rằng, Chính phủ Việt Nam đã “tô hồng báo cáo”. Cũng có người còn cho rằng, họ hoặc doanh nghiệp của họ bị “bôi đen” trong đánh giá của các cơ quan chức năng...
Cuối tuần qua, sau hơn một tháng làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thành công và bế mạc. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của kỳ họp này là đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015. Để kế hoạch sát, đúng, phải đánh giá khách quan tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014. Các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc đều đã công khai, minh bạch, đánh giá nghiêm túc thực trạng nền kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là các vấn đề mà cử tri quan tâm như nợ xấu, nợ công…
Ảnh minh họa
Phát biểu trước Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các vấn đề xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia. Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí cao với sự đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội.
Sau khi có ý kiến của một số đại biểu Quốc hội băn khoăn trước một số vấn đề mà cử tri quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có báo cáo giải trình và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Về tình hình kinh-tế xã hội tháng 10, tháng 11-2014, theo người đứng đầu Chính phủ, kinh tế vĩ mô đã ổn định tốt hơn. Lạm phát được kiểm soát. Dư nợ tín dụng 11 tháng tăng khoảng 10%, cả năm tăng trên 12%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1,5-2% so với cuối năm 2013. Tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. Xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 137 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập khẩu khoảng 135 tỷ USD, tăng 12,6%; xuất siêu 2 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Tạo việc làm cho hơn 1,46 triệu lao động, đạt 91,2% kế hoạch năm, tăng 3,87% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục chuyển biến tích cực.
Về vấn đề nợ công của quốc gia, theo Thủ tướng Chính phủ, đó “là vấn đề hệ trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm”, chúng ta đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%). Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chúng ta còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.
Về xử lý nợ xấu, trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thừa nhận: Việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn và cần phải có thời gian, do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, không có nguồn ngân sách Nhà nước và cũng chưa có kinh nghiệm xử lý. Kết quả xử lý nợ xấu đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Khung khổ pháp lý, tiềm lực tài chính, chức năng của VAMC; thị trường mua bán nợ; thanh tra giám sát… còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức tín dụng chưa cao; vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém, tình trạng sở hữu chưa minh bạch. Nhiệm vụ còn rất khó khăn. Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%. Bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014 được công bố cuối tuần qua đã khẳng định đánh giá, nhận định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là khách quan và hoàn toàn có cơ sở.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 11-2014, cả nước có 7.767 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 38,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% về số doanh nghiệp và tăng 20,8% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong tháng đạt 5 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng trước. Số lao động của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 108,8 nghìn người, tăng 23,7% so với tháng trước. Cũng trong tháng 11-2014, cả nước có 1.205 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,5% so với tháng trước; có 7.033 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, giảm 1,5% so với tháng trước. Như vậy, mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi bối cảnh khó khăn nhưng xét trên khía cạnh quy mô vốn, doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 đã tăng hơn so với tháng trước và tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.
Các số liệu trong những báo cáo nói trên đều công khai, minh bạch, được các chuyên gia kinh tế và cộng đồng quốc tế ghi nhận, vậy mà không hiểu vì lý do gì mà vẫn có người cho rằng, báo cáo đã “được tô hồng”?
Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu: “Chúng ta không tô hồng, thành tích chủ nghĩa, không chủ quan, thỏa mãn nhưng cũng không bôi đen. Phải thấy rõ các mặt được, thuận lợi, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch một cách sát thực”.
Dự kiến trong ngày hôm nay (1-12), Chính phủ sẽ họp phiên thường kỳ tháng 11-2014. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phiên họp này là đánh giá đúng tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014 để xây dựng Nghị quyết về kế hoạch phát triển năm 2015. Ngày mai (2-12), Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2014. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức tài chính quốc tế, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đồng tổ chức. Chủ đề của diễn đàn năm nay là "Doanh nghiệp hướng tới các Hiệp định thương mại mới". Diễn đàn sẽ thảo luận các nhóm vấn đề về cải cách thị trường tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều chắc chắn rằng, tại diễn đàn này sẽ có đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam trong năm nay để một lần nữa khẳng định: Các báo cáo của chúng ta không "tô hồng" và cũng không "bôi đen".
Cũng có người cho rằng, họ đã bị các cơ quan Nhà nước “bôi đen” khi đánh giá về họ và doanh nghiệp của họ. Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam thời gian qua cho thấy, bên cạnh đại đa số các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước; vẫn còn có không ít những doanh nghiệp vi phạm pháp luật, biểu hiện rõ nhất là trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, gây ô nhiễm môi trường, chiếm dụng đất đai… Những hành vi vi phạm pháp luật nói trên phải được xử lý theo pháp luật. Nếu các doanh nghiệp hoặc cá nhân bị các cơ quan Nhà nước “bôi đen” thì họ và doanh nghiệp của họ đều có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật. Điều 33 của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã xem xét thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền đầu tư và quyền kinh doanh của mọi công dân trên lãnh thổ Việt Nam. Những hành vi được gọi là “bôi đen”doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Theo QĐND