Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore: Vốn FDI tăng mạnh

Cập nhật: 18-10-2017 | 08:23:15

Đến nay, các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP) trên địa bàn tỉnh do Ban Quản lý KCN VSIP quản lý có 509 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 7,6 tỷ USD (kể cả vốn của các đơn vị đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng). Chỉ tính trong 9 tháng năm 2017, các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh đã thu hút gần 781 triệu USD vốn FDI, bằng 136,75% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 223,08% so với kế hoạch năm 2017.

 Lễ khởi công nhà máy Tetra Pak tại KCN VSIP II. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Tiếp tục thu hút nhà đầu tư lớn

Vừa qua, tại KCN VSIP II - mở rộng, Tập đoàn Tata Coffee Limited Ấn Độ đã khởi công dự án nhà máy cà phê hòa tan có tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, với công suất 5.000 tấn/năm. Tata Coffee Limited được thành lập năm 1922, là một tập đoàn lớn tại Ấn Độ. Tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, thép, than, xây dựng, chế biến sản xuất cà phê… Đây là dự án đầu tư thứ 2 và là một dự án lớn của Tập đoàn Tata Coffee Limited Ấn Độ tại Việt Nam.

Ông Ambassador His Excellency, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đánh giá, Bình Dương là tỉnh có môi trường đầu tư thông thoáng, có chính sách ưu đãi hấp dẫn cho doanh nghiệp. Riêng KCN VSIP có cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại, sẽ góp phần tạo thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào đây phát triển.

Mới đây, Tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển) đã khởi công nhà máy tại KCN VSIP II với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD. Tetra Pak là tập đoàn cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm hàng đầu thế giới. Dự án nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương là nhà máy lớn nhất trong số 34 dự án đầu tư của Thụy Điển tại Việt Nam. Nhà máy có diện tích 100.000m2, có khả năng mở rộng công suất lên tới 20 tỷ bao bì mỗi năm, dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào đầu năm 2019. Nhà máy sẽ sản xuất nhiều chủng loại bao bì giấy đa dạng, bao gồm các bao bì phổ biến như tetra brik aseptic, tetra fino aseptic. Với chiến lược phát triển bền vững, nhà máy mới này sẽ là nhà máy xanh nhất trong hệ thống của Tetra Pak và sẽ là một trong những nhà máy đầu tiên tại Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường trên thế giới.

Doanh thu của doanh nghiệp đạt khá

Trong 9 tháng năm 2017, vốn thực hiện của các dự án FDI đầu tư vào các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh đạt trên 280 triệu USD, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 93,33% so với kế hoạch năm 2017. Doanh thu của các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN này ước đạt trên 5,5 tỷ USD, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2016 và 73,33% so với kế hoạch năm 2017.

Ông YoKaichi Makoto, Tổng Giám đốc Công ty TPR Việt Nam (vốn Nhật Bản) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty tiếp tục đà tăng trưởng ổn định. Riêng nhà máy thứ 5 của công ty tại KCN VSIP II-A (TX.Tân Uyên), sản phẩm gai dẫn hiện ước tính mỗi tháng đạt 2,6 triệu sản phẩm, đến năm 2019 dự kiến sản lượng tăng gấp 3 lần hiện nay. Về đệm sưởi, sản xuất hiện tại của nhà máy đạt 120 triệu sản phẩm/tháng; dự kiến đến năm 2019 đạt 160 triệu sản phẩm/tháng...

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN VSIP, từ đầu năm đến nay các KCN VSIP vẫn duy trì mức độ thu hút vốn đầu tư ổn định, một số dự án đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền các cấp để kịp thời giải quyết những khó khăn của nhà đầu tư, để những tháng còn lại của năm 2017 đạt các chỉ tiêu đã đề ra. Cụ thể, doanh thu của các doanh nghiệp đạt thêm 1 tỷ USD, các doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách thêm 11 triệu USD...

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1704
Quay lên trên