Tính đến nay, tại 10 tỉnh, thành khu vực phía Nam đã ghi nhận 117 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 6 trường hợp tử vong.
Thông tin trên được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị phòng chống dịch năm 2023 khu vực phía Nam, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 22/12.
PGS. TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.
PGS. TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023 ghi nhận tình hình dịch bệnh tại Việt Nam diễn biến phức tạp, với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi, gây tác động không nhỏ đối với sức khỏe cộng đồng. Đáng chú ý, dù bệnh COVID-19 đã gỡ bỏ tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, được Bộ Y tế xếp thành bệnh truyền nhiễm nhóm B nhưng vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, với sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới. Hiện tại, trên toàn cầu đã ghi nhận sự gia tăng trường hợp mắc mới COVID-19.
Ngoài ra, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở nhóm nguy cơ cao tại Việt Nam. Theo đó, tính đến nay tại 10 tỉnh, thành khu vực phía Nam ghi nhận 117 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Số ca bệnh được phát hiện đầu tiên nhiều nhất ở Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh. Viện đã giải trình từ 12 mẫu từ ca mắc đậu mùa khỉ, kết quả kiểu gen C, thuộc clade IIb (gây dịch từ năm 2022 đến nay).
BS.CK2 Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu như trong tháng 9/2023 số ca mắc đậu mùa khỉ phát hiện chỉ 1 đến 2 trường hợp nhưng đến tháng 10 và 11, số ca tăng dần đều và hầu như ngày nào tại Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận ca nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
“Phần lớn, ca phát hiện tại bệnh viện có triệu chứng toàn thân như sốt, nổi hạch. Một số trường hợp chỉ xuất hiện mụn nước, mụn mủ ở vài nơi trên cơ thể như mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục... Những dấu hiệu này dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhiều người đến khám vì nghĩ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục”, bác sĩ Thảo thông tin thêm.
Về công tác điều trị bệnh đậu mùa khỉ, BS. CK1 Huỳnh Thị Thuý Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 tháng qua, Bệnh viện điều trị cho 49 ca đậu mùa khỉ, trong đó có 6 ca nặng đã tử vong, 40 người xuất viện, hiện còn 3 bệnh nhân đang điều trị.
“Số ca tử vong trên không đại diện cho cộng đồng vì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là nơi tiếp nhận những ca bệnh nặng. Nhiều bệnh nhân kèm các biến chứng như sốc nhiễm trùng, viêm mô tế bào, áp xe da, nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận...”, bác sĩ Thuý Hoa thông tin thêm.
Cũng theo bác sĩ Thuý Hoa, các bệnh nhân đậu mùa khỉ mắc bệnh nặng ở độ tuổi trẻ từ 28 - 30 và đều nhiễm HIV giai đoạn AIDS, nhưng không điều trị thuốc ARV hoặc chỉ mới bắt đầu điều trị. Theo kết luận từ các báo cáo trên thế giới, tỷ lệ người nhiễm HIV bị nhiễm đậu mùa khỉ chiếm tỷ lệ từ 38% - 50%. Các ca nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có diễn biến đa số giống các ca nặng như trên thế giới.
Nhận định về xu hướng dịch bệnh thời gian tới, các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi có thể tiếp tục diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh và các tác nhân gây bệnh thường xuyên biến đổi, nhất là trong bối cảnh giao thương, du lịch kết hợp với đô thị hoá, biến đổi khí hậu.
Theo Thứ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trước bối cảnh đó, dự báo năm 2024, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam sẽ còn diễn tiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe nhân dân, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 sắp tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, hoạt động như chú trọng việc về kinh phí, định mức chi cho hoạt động phòng chống dịch và mua sắm tại mỗi địa phương; giám sát phát hiện kịp thời ca bệnh để đáp ứng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch…
Theo TTXVN